23/10/2024

TpHCM - 33 độ C

x
+
aa
-

Trọng trách trên vai tân Tổng thống Sri Lanka 

Ông Anura Kumara Dissanayake ngày 23-9 đã tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Sri Lanka, trở thành nguyên thủ quốc gia thứ 9 của quốc gia Nam Á này kể từ khi độc lập vào năm 1948. Tổng thống Dissanayake thừa nhận chính quyền của ông sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức và nhiệm vụ chính của ông là tạo ra “nền văn hóa chính trị mới”, đồng thời khẳng định sẽ xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với tất cả các nước.

Ông Dissanayake vẫy tay chào những người ủng hộ hôm 22-9. Ảnh: AP

Trước đó, Ủy ban Bầu cử Sri Lanka hôm 22-9 chính thức tuyên bố ông Dissanayake, lãnh đạo đảng Mặt trận Giải phóng Nhân dân (hay còn gọi là liên minh Quyền lực Nhân dân Quốc gia) theo chủ nghĩa Marx, đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống nước này. Cụ thể, ông Dissanayaka nhận được 42,31% số phiếu bầu, trong khi lãnh đạo phe đối lập Sajith Premadasa được 32,76% và Tổng thống sắp mãn nhiệm Ranil Wickremesinghe 17,27%.

Sau khi kết quả chính thức được công bố, ông Dissanayaka viết trên mạng xã hội X: “Giấc mơ mà chúng ta ấp ủ trong nhiều thế kỷ cuối cùng cũng đã trở thành hiện thực. Thành tựu này không phải là kết quả của công sức bất kỳ cá nhân nào, mà là nỗ lực chung của hàng trăm ngàn người trong số các bạn. Cam kết của các bạn đã đưa chúng ta đến được chặng đường này và vì điều đó, tôi vô cùng biết ơn. Chiến thắng này thuộc về tất cả chúng ta. Hàng triệu con mắt tràn đầy hy vọng và kỳ vọng thúc đẩy chúng ta tiến lên và cùng nhau, chúng ta sẵn sàng viết lại lịch sử Sri Lanka”.

Cuộc bầu cử có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong bối cảnh Sri Lanka đang tìm cách phục hồi sau cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong lịch sử. Nền kinh tế Sri Lanka sụp đổ vào năm 2022 do tình trạng thiếu hụt ngoại tệ nghiêm trọng, khiến quốc đảo Ấn Độ Dương này không thể chi trả cho việc nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu như nhiên liệu, thuốc men và khí đốt. Sự sụp đổ kinh tế dẫn đến các cuộc biểu tình chống chính phủ trong tháng 6 và 7-2022, trong đó đỉnh điểm là những người biểu tình chiếm giữ các tòa nhà quan trọng ở thủ đô Colombo, buộc Tổng thống khi đó Gotabaya Rajapaksa phải từ chức và rời khỏi đất nước.

Hiện Sri Lanka đang phải áp dụng các biện pháp tăng thuế, thắt lưng buộc bụng, để đáp ứng các điều kiện hưởng gói cứu trợ trị giá 2,9 tỉ USD của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), khiến hàng triệu người phải vật lộn để kiếm sống. Chính phủ Sri Lanka hôm 19-9 cho biết đã vượt qua rào cản cuối cùng trong việc tái cấu nợ bằng cách đạt được thỏa thuận về nguyên tắc với các chủ nợ trái phiếu tư nhân. Vào thời điểm vỡ nợ, tổng nợ trong nước và nước ngoài của Colombo là 83 tỉ USD. 

Theo nhà phân tích chính trị Jehan Perera, thách thức trước mắt của ông Dissanayake là ổn định nền kinh tế “trước những lo ngại của các nhóm doanh nghiệp và tài chính về chủ nghĩa Marx và lý lịch cách mạng của ông”. Mặt khác, ông Dissanayake cũng sẽ phải đảm bảo Sri Lanka tuân thủ chương trình của IMF cho đến năm 2027 nhằm đưa nền kinh tế nước này vào con đường tăng trưởng ổn định; trấn an thị trường; trả nợ; thu hút các nhà đầu tư và giúp 25% người dân nước này thoát khỏi cảnh đói nghèo. “Nguyên nhân gốc rễ dẫn đến sự sụp đổ của Sri Lanka là sự quản lý yếu kém. Chúng tôi có cảm giác rằng nếu chúng tôi có một nhà quản lý giỏi để điều hành đất nước thì chúng tôi có thể thành công trong tương lai” - Janak Dias, một doanh nhân bất động sản, cho biết.

Việc ông Dissanayake thân với Trung Quốc đặt ra cho Ấn Độ nhiều thách thức. Hiện Trung Quốc đang mở rộng ảnh hưởng ở Sri Lanka bằng cách giành được dự án phát triển sân bay ở thủ đô Colombo. Chưa kể, Trung Quốc còn đang kiểm soát cảng Hambantota vốn có tầm quan trọng chiến lược nằm dọc theo tuyến đường vận chuyển đông đúc nhất thế giới nối liền châu Á với châu Âu, từ đó mang lại cho Bắc Kinh lợi thế chiến lược trong khu vực. Theo nhà phân tích R Bhagwan Singh, việc ông Dissanayake giành chiến thắng là một thách thức lớn đối với Ấn Độ. “Đồng minh tự nhiên của ông Dissanayake rõ ràng sẽ là Trung Quốc” - ông Singh cho biết.

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Top