09/07/2025
x
+
aa
-

Vun bồi tình yêu quê hương, đất nước 

Những năm qua, Trường THCS Trần Hưng Đạo (quận Ninh Kiều) nổi bật với các hoạt động sinh hoạt, giáo dục truyền thống, lịch sử, di sản văn hóa cho học sinh. Mỗi hoạt động, mỗi chuyến đi, mỗi lần về nguồn đầy ý nghĩa, các em được vun bồi tình yêu quê hương, đất nước, thêm niềm tự hào dân tộc.

Cô và trò Trường THCS Trần Hưng Đạo tham quan triển lãm ảnh “Đất nước trọn niềm vui”.

Những ngày cuối tháng Tư, không gian Trường THCS Trần Hưng Đạo rực rỡ cờ, hoa, với nhiều hoạt động ý nghĩa chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025). Vừa bước vào trường, ấn tượng với khách tham quan là lá cờ Tổ quốc với kích thước lớn, được thầy cô và học sinh của trường tự tay làm nên bằng vật liệu tái chế, có ý nghĩa bảo vệ môi trường.

Ở một không gian khác, nhà trường tổ chức triển lãm ảnh chủ đề “Đất nước trọn niềm vui”. Bằng những hình ảnh ghi nhận các sự kiện lịch sử của nước ta và Cần Thơ, triển lãm đã kể lại một câu chuyện lịch sử hào hùng, tự hào. Qua đó, các em học sinh hiểu hơn về Cách mạng Tháng Tám, về cuộc nổi dậy giành chính quyền ở Cần Thơ năm 1945; hay về Đại thắng mùa Xuân 1975, những hình ảnh về giải phóng Cần Thơ cách nay nửa thế kỷ… Điểm nhấn ở không gian triển lãm là mô hình chiếc xe tăng, mô phỏng chiếc xe tăng đã húc đổ cổng Dinh Độc Lập vào trưa 30-4-1975. Sự tinh tế, kỹ lưỡng trong từng chi tiết của mô hình cho thấy tâm huyết và tấm lòng của những người thực hiện.

Tham quan triển lãm, em Nguyễn Trần Trúc Nhi, học sinh lớp 9, chia sẻ: “Triển lãm ảnh giúp em hiểu hơn về lịch sử đất nước và địa phương qua hình ảnh tư liệu”. Còn em Phạm Trường Giang, học sinh lớp 9, thì tâm đắc: “Em rất tự hào về dân tộc mình khi xem những hình ảnh này. Là đoàn viên, em sẽ cố gắng phấn đấu học tập, rèn luyện để xứng đáng với truyền thống ấy”.

Trong không gian triển lãm ảnh “Đất nước trọn niềm vui”, chúng tôi còn bắt gặp nhiều sản phẩm do chính các em học sinh làm nên như nhật ký làm theo lời Bác, các thiết kế báo cáo là kết quả sau những chuyến đi tham quan, trải nghiệm, về nguồn. Cụ thể, sau những chuyến tham quan di tích Khám Lớn Cần Thơ, Căn cứ Vườn Mận hay Chợ nổi Cái Răng, Bảo tàng TP Cần Thơ, Bảo tàng Quân khu 9; hoặc sau khi trải nghiệm làng nghề, đặc sản địa phương… các em báo cáo kết quả bằng một sản phẩm thiết kế với với nội dung, hình ảnh rất đẹp, hiện đại. Qua từng trang viết, các em thể hiện vẻ đẹp, ý nghĩa của những nơi đã đến tham quan, rút ra bài học, cảm nhận của bản thân. 

Cô Nguyễn Lê Thu Thuận, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Hưng Đạo, cho biết: Mỗi năm học, nhà trường đều xây dựng kế hoạch về công tác giáo dục lý tưởng cách mạng cho học sinh, với chủ đề, chủ điểm cho từng tháng, từng sự kiện của đất nước và địa phương. Điểm nổi bật là nhà trường thường xuyên tổ chức cho các em tham quan, trải nghiệm thực tế, gia tăng sự tương tác, cảm xúc. Đơn cử như hoạt động “Tiết học Sử tại Bảo tàng” vừa qua, các em được tìm hiểu về văn hóa Óc Eo, về các Bảo vật quốc gia tại Cần Thơ và tự tay vẽ hoặc nặn mô phỏng Bảo vật quốc gia Bình gốm Nhơn Thành. Hoạt động “vừa học, vừa chơi, vừa khám phá” này rất được các em ủng hộ. Hay là hoạt động “Một ngày làm chiến sĩ”, ở Ban Chỉ huy Quân sự quận Ninh Kiều, cũng mang lại hiệu quả cao. Nhà trường còn mời báo cáo viên về trình bày chuyên đề Lịch sử Đảng bộ quận Ninh Kiều; giao lưu, nghe các cựu chiến binh kể chuyện truyền thống… Các hoạt động này không chỉ thu hút học sinh mà còn toàn thể đảng viên, giáo viên nhà trường.

Cô Nguyễn Lê Thu Thuận cho biết thêm: Nhà trường cũng thường xuyên lồng ghép giáo dục truyền thống cho học sinh thông qua các hoạt động văn nghệ như kể chuyện sách, thi văn nghệ… với các tiết mục ca ngợi quê hương, đất nước, tái hiện lịch sử hào hùng của cha ông. Em Thái Nguyễn Phương Vy, học sinh lớp 6, là một “cây văn nghệ” của trường, chia sẻ: “Các hoạt động giúp em thỏa đam mê văn nghệ, thấy vui vẻ và rất tự hào khi được hát về quê hương, đất nước mình”.

Cô Nguyễn Lê Thu Thuận nhấn mạnh: Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 ngoài phát triển năng lực thì việc rèn luyện phẩm chất, đạo đức, kỹ năng cho học sinh cũng rất được chú trọng. Do đó, qua các hoạt động, nhà trường mong muốn hun đúc trong mỗi em học sinh lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội, quý trọng và gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, địa phương. 

Bài, ảnh: ĐĂNG HUỲNH

Other news

Bảo vật quốc gia thuộc sở hữu của diễn viên Chi Bảo có gì đặc biệt? 
Trưng bày chuyên đề “Bảo vật quốc gia - Những kiệt tác di sản tại TP Hồ Chí Minh” đang diễn ra tại Bảo tàng Lịch sử TP Hồ Chí Minh, đến ngày 10-8. Lần đầu tiên, 17 bảo vật quốc gia
Tập trung hoàn thành Hồ sơ Di sản văn hóa thế giới Óc Eo-Ba Thê 
Tại buổi làm việc với Ban quản lý Di tích văn hóa Óc Eo ngày 8-7, tại xã Óc Eo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Trung Hồ, yêu cầu: Không để quá trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy, hệ thống chính trị
Bế mạc Hội thao - Giao lưu văn nghệ Ngân hàng Chính sách xã hội năm 2025 khu vực IX 
(CTO) - Ngày 6-7-2025, Ban Thường vụ Công đoàn Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Việt Nam đã tổ chức lễ bế mạc Hội thao - Giao lưu văn nghệ NHCSXH năm 2025 khu vực IX tại Nhà thi đấu đa năng TP Cần Thơ.
Mẫu logo chính thức cho các hoạt động kỷ niệm 80 năm Cách mạng tháng 8, Quốc khánh
Mẫu logo được thiết kế sử dụng hình tượng chính là hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, có màu đỏ, thể hiện truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam qua hàng ngàn năm.
Phim tài liệu về 5 làng nghề Việt Nam thu hút khán giả Pháp
Bộ phim theo dấu hành trình qua 5 làng nghề thủ công tiêu biểu của Việt Nam, gồm nón lá làng Chuông, gốm sứ Bát Tràng, quạt giấy Chàng Sơn, chuồn chuồn tre Thạch Xá và tranh dân gian Đông Hồ.
Top