Bộ tứ biến khái niệm thành hành động
Lần thứ hai kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump trở lại Nhà Trắng vào tháng 1, Ngoại trưởng các nước nhóm Bộ tứ vừa tái họp tại thủ đô Washington nhằm thúc đẩy cam kết tăng cường hợp tác giữa các đối tác Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương.
Ngoại trưởng Mỹ Rubio phát biểu tại cuộc họp Ngoại trưởng các thành viên nhóm Bộ tứ. Ảnh: State Department
Sự kiện này cũng được coi là dịp tập trung sự chú ý trở lại Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương, trong bối cảnh Mỹ thời gian qua còn bận tâm nhiều vấn đề tại các khu vực khác, trong đó có cuộc xung đột gần đây giữa Israel và Iran. Cuộc họp diễn ra bất chấp những bất đồng về thương mại và các vấn đề song phương khác đang tạo ra căng thẳng trong quan hệ hiện nay giữa Mỹ với các nước. Hồi tháng 1, nhóm Bộ tứ đã nhất trí sẽ họp thường xuyên để chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo tại Ấn Ðộ vào cuối năm nay.
Phát biểu trước cuộc họp với các đối tác Úc, Nhật Bản và Ấn Ðộ, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio khẳng định đã đến lúc đưa Bộ tứ lên giai đoạn mới “biến lời nói thành hành động”, tức là chuyển từ thảo luận các khái niệm sang hành động mang lại kết quả thực tế. Tái khẳng định cam kết biến đối thoại cấp cao thành kết quả hữu hình, Ngoại trưởng Úc ủng hộ mở rộng hoạt động ngoại giao sang hợp tác thực tế về công nghệ, khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng và an ninh hàng hải. “Một Bộ tứ đoàn kết, nhanh nhẹn và tập trung chắc chắn đạt nhiều tiến triển tốt hơn” - Ngoại trưởng Ấn Ðộ S. Jaishankar cho biết sau khi tuyên bố New Delhi sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh tiếp theo của các nhà lãnh đạo để vạch lộ trình hướng tới một Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương an toàn, thịnh vượng và kiên cường.
Ở sự kiện lần này, Ngoại trưởng Rubio cho biết gần 40 công ty từ các nước thành viên đã tham dự một phiên thảo luận tại Bộ Ngoại giao Mỹ nhằm tìm giải pháp thúc đẩy hợp tác trong chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng. Trong đó, cá nhân ông Rubio tập trung vào đa dạng hóa chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng toàn cầu, nghĩa là không chỉ khai thác nguyên liệu thô mà còn tiếp cận khả năng xử lý và tinh chế vốn tạo ra biên lợi nhuận và đòn bẩy địa chính trị.
Hiện thực hóa nhu cầu trên, các Ngoại trưởng trong tuyên bố chung cho biết đang thành lập Sáng kiến nhóm Bộ tứ về khoáng sản quan trọng để đảm bảo và đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Chi tiết cụ thể không đề cập nhiều, nhưng tuyên bố nói rõ mục tiêu giảm phụ thuộc vào Trung Quốc, quốc gia đang sử dụng biện pháp kiểm soát xuất khẩu đất hiếm như đòn bẩy trả đũa Mỹ hạn chế quyền tiếp cận chất bán dẫn của Bắc Kinh. “Việc phụ thuộc vào bất kỳ quốc gia nào để xử lý, tinh chế các khoáng sản quan trọng và sản xuất hàng hóa phái sinh sẽ khiến các ngành công nghiệp của chúng ta chịu sự ép buộc về kinh tế, thao túng giá cả và gián đoạn chuỗi cung ứng” - tuyên bố nhấn mạnh.
Theo giới chuyên môn, chiến lược khoáng sản của Bộ tứ có thể tận dụng thế mạnh của mỗi nước (trữ lượng lithium của Úc, chuyên môn tinh chế của Nhật Bản, năng lực sản xuất mới nổi của Ấn Ðộ cùng với công nghệ và vốn của Mỹ) để tạo chuỗi cung ứng không có Trung Quốc. Sáng kiến này không chỉ tách khỏi sự thống trị của Bắc Kinh mà còn xây dựng trật tự kinh tế mới.
Chuyển trọng tâm sang các mối đe dọa an ninh, tuyên bố chung của Bộ tứ nhấn mạnh cam kết “bảo vệ pháp quyền, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ”. Ngoại trưởng Ấn Ðộ Jaishankar và người đồng cấp Nhật Bản Takeshi Iwaya đặc biệt mong muốn Bộ tứ tập trung thúc đẩy trật tự tự do, cởi mở và dựa trên luật lệ ở Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương. Trong đó, các quốc gia khu vực phải có quyền tự do lựa chọn vì đây là điều kiện cần thiết để đưa ra quyết định đúng đắn về phát triển và an ninh.
Từ cuộc họp ngày 1-7 và buổi thảo luận trước đó hồi tháng 1, giới phân tích coi đây là dấu hiệu cho thấy chính quyền Tổng thống Trump ưu tiên hợp tác với các quốc gia cùng chí hướng để đối phó Trung Quốc. Tuy nhiên, theo chuyên gia Emma Chanlett-Avery tại Viện Chính sách Xã hội châu Á, câu hỏi liệu Bộ tứ có phải là nền tảng tốt nhất để chính quyền Tổng thống Trump tham gia các thể chế đa phương tại khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương hay không vẫn còn bỏ ngỏ.
MAI QUYÊN (Theo AFP, Nikkei Asia)