Làn sóng “di cư ngược” khỏi Mỹ
Trong lúc Mỹ đẩy mạnh chiến dịch trấn áp nhập cư bất hợp pháp, nhiều báo cáo cho biết xu hướng “trở về” đang nổi lên khi người tị nạn dần rút khỏi biên giới để tìm nơi định cư mới.
Thuyền chở một nhóm người di cư trở về cập bến ở Necocli. Ảnh: Al Jazeera
Tại thị trấn ven biển Necocli (Colombia), một chiếc thuyền nhẹ tiến vào bờ với hơn 50 hành khách. Họ là những người quay lại sau hành trình trên tuyến di cư trên bộ nguy hiểm nhất thế giới. Trong số này có Luis Angel Yagua Parra, 21 tuổi đến từ Venezuela. Yagua Parra cho biết anh trở về sau khi đã đến biên giới nhưng không thể vượt biên vào Mỹ.
Theo số liệu của Liên Hiệp Quốc (LHQ), tính riêng năm 2024 đã có hơn 302.200 người di cư và xin tị nạn từ phía Nam cố gắng đi lên phía Bắc để tìm kiếm cơ hội tại Mỹ. Nhưng kể từ khi nhậm chức vào tháng 1, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hủy ứng dụng CBP One - cổng thông tin trực tuyến được sử dụng để lên lịch hẹn xin tị nạn. Điều này đồng nghĩa bất kỳ ai vượt biên giới mà không có giấy tờ đều bị cấm tị nạn ở Mỹ. Tăng cường nỗ lực trục xuất người nhập cư bất hợp pháp, chính quyền Tổng thống Trump còn điều 1.500 nhân viên mặt đất, máy bay trực thăng cũng như nhiều nhân viên phân tích tình báo tới biên giới Tây Nam để hỗ trợ công tác phát hiện và giám sát.
Trong bối cảnh xin tị nạn ở Mỹ trở nên bất khả thi, giới quan sát cho biết làn sóng di cư về phía Bắc đã chậm lại đáng kể. Trong 3 tháng đầu năm, LHQ cho biết chỉ 2.831 người chấp nhận mạo hiểm đến Mỹ, giảm 98% so với cùng kỳ năm 2024.
Trở về tay trắng
Chia sẻ với trang Al Jazeera, Yagua Parra cho biết hành trình đến Mỹ đầy rẫy khó khăn khi phải vượt qua địa hình hiểm trở trong tình trạng thiếu lương thực và thường xuyên lo sợ nguy cơ bị bắt cóc. Dù vậy, Yagua Parra cùng hàng ngàn người vẫn đến được biên giới phía Nam; nhưng sau đó lại không thể vượt biên vào Mỹ. Bị mắc kẹt ở khu vực biên giới nơi nạn buôn người và bóc lột hoành hành, di dân buộc phải rời Mexico và tìm cách quay trở lại. Trường hợp của Yagua Parra, thanh niên này phải trả từ 250 - 300 USD cho một chuyến trở về Colombia.
Theo các nhân viên cứu trợ địa phương, các tuyến đường “di cư ngược” trở về Nam Mỹ đang xuất hiện trên bờ biển Thái Bình Dương. Trong số này, có nhiều người thậm chí đã đến Mỹ nhưng phải trở về do lo ngại xu hướng chính trị quá thù địch.
Nói trong điều kiện giấu tên, một ông bố trẻ người Venezuela đang bế con gái cho biết cô bé chào đời 9 tháng trước tại bang Colorado, Mỹ. Nhưng trước chính sách nhập cư cứng rắn và chiến dịch “trục xuất hàng loạt” của Tổng thống Trump, cả gia đình quyết định rời Mỹ do sợ bị chia cắt. Họ bắt đầu đi từ Panama đến Colombia, sau đó quyết định trở lại Venezuela sau chuyến hành trình gian khổ kéo dài 3 ngày khiến đứa bé kiệt sức.
Cũng yêu cầu không đề cập danh tính, một người đàn ông Venezuela khác cho biết hầu như mọi người đang trở về chính nơi họ đã phải bán mọi thứ để rời đi. Trước đó, ông cùng vợ và cậu con trai 16 tuổi mỗi người cầm theo vỏn vẹn 1.500 USD khi rời quê nhà đến Mexico. Ở đó, họ đã chờ 9 tháng để có cuộc hẹn xin tị nạn với các viên chức Mỹ. Khi tin tức ngày càng trở nên vô vọng, họ cảm thấy không còn lựa chọn nào khác ngoài quay trở lại Venezuela. “Chúng tôi tay trắng trở về, phải bắt đầu từ con số 0” - người đàn ông cay đắng cho biết.
Theo đuổi cái gọi là “Giấc mơ Mỹ”, cặp đôi người Venezuela khác là Marisela Bellorin, 47 tuổi và bạn đời Yeral Banegas, 48 tuổi đã đến Necocli 6 tháng trước với ý định vượt qua khu vực rừng rậm Darien Gap ở biên giới Panama - Colombia để đến phía Bắc. Nhưng do không có đủ 1.000 USD để chi trả cho chuyến đi, kể từ đó họ trở thành người vô gia cư ở Necocli cùng với hai đứa con. “Nếu họ định gửi chúng tôi trở về, thì chúng tôi tốt hơn nên tới nơi khác” - Banegas quyết định chuyển đến Chile sau khi cân nhắc tình trạng ở Mỹ.
Trong khi nhiều người có thể tiếp tục cuộc hành trình, một số người di cư thiếu tiền vẫn ở lại Necocli. Theo mục sư Jose Luis Ballesta Mendoza, nhà thờ ở địa phương đã cung cấp bữa trưa và chăm sóc tâm lý cho những người di cư qua đường trong 5 năm qua. Từ nhóm nhỏ, con số này đã tăng lên với khoảng 120 - 130 người được tiếp nhận mỗi ngày. Mặc dù thức ăn vẫn được phát, nhưng khả năng chăm sóc nhân đạo cho người quay trở lại qua Necocli đã giảm đáng kể do viện trợ nước ngoài từ Mỹ suy giảm. Mục sư Mendoza cảnh báo việc phát thức ăn có thể phải đóng cửa sớm nhất vào tháng 8, nếu không có nhiều nguồn tài trợ nhân đạo hơn để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người di cư hồi hương.
MAI QUYÊN (Theo Al Jazeera)