13/07/2025
x
+
aa
-

Chùa Cảm Thiên Ðại Ðế ở Ô Môn 

Chùa Cảm Thiên Đại Đế được xây dựng vào năm 1871, là một trong những ngôi chùa của đồng bào dân tộc Hoa còn được bảo quản tốt hiện trạng kiến trúc từ lúc mới xây dựng đến nay. Chùa tọa lạc tại phường Ô Môn, được UBND TP Cần Thơ (trước khi hợp nhất) ban hành Quyết định số 337/QĐ-UBND ngày 5-2-2016 xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hóa(1).

Chùa Cảm Thiên Đại Đế.

Chùa Cảm Thiên Đại Đế được xây dựng theo hình chữ Quốc, trên diện tích đất rộng 2.226m2, quay mặt về hướng Tây - Nam với các dãy nhà khép kín vuông góc nhau. “Mái Chùa lợp ngói âm dương, các gờ bó mái hình lá tráng men xanh thẫm. Trên bờ nóc trang trí các phù điêu bằng gốm sứ như: lưỡng long tranh châu, chim phụng, cá chép hóa long. Cách trang trí này không những tượng trưng cho sức mạnh, sự hòa hợp của âm dương, sự an lành và sung túc, mà còn góp phần tăng thêm vẻ tôn nghiêm, cổ kính của ngôi chùa, đồng thời phản ánh giá trị nhân văn, trí tuệ, ước vọng của con người từ xưa đến nay”(2).

Cổng chùa được xây theo kiểu nhị quan, gồm hai cổng ở hai bên. Ở đây, cổng chùa chỉ có cột là xi măng, còn lại đều bằng sắt. Giữa hai hàng cột của cổng có gắn một tấm đà ngang bằng xi măng, sơn màu đỏ thẫm, trên đó viết bốn chữ Trung chiêu nhật nguyệt - nghĩa là Lòng trung soi nhật nguyệt, và một cổng ghi là Nghĩa tráng sơn hà - nghĩa là Nghĩa khí sánh non sông để ca ngợi nhân vật được thờ trong chùa. Sân chùa không rộng nhưng cũng đủ không gian cho người đến dự trong các kỳ cúng lớn.

Vách ngoài cửa chùa có trang trí rất nhiều bức họa sắc xảo thể hiện các chủ đề, cảnh sinh hoạt của các vị thần tiên, các nhân vật trong truyện cổ, các tiểu thuyết cũng như các điển tích. Cửa chùa có vẽ hình hai vị môn thần như để trấn giữ và bảo vệ ngôi chùa được yên ổn, xua đuổi mọi điều xui xẻo đồng thời phù hộ dân làng được bình an trong cuộc sống. Ngoài vách cửa còn trang trí bằng cách đắp nổi hình nai, voi đang rong chơi, thể hiện một phong thái an lạc, thanh bình. Trên cửa là bức hoành phi ghi bốn chữ Cảm Thiên Đại Đế. Sau cửa là bức bình phong dùng để ngăn cách chính điện với bên ngoài. Bức bình phong này được trang trí rất đẹp, chính giữa cũng có hai vị môn thần, xung quanh có hình hoa lá, chim muông. Phía trên bức bình phong có treo hai quả đèn lồng to ở hai bên. Sau bức bình phong chính là sân thiên tĩnh. Nhưng sân thiên tĩnh ở Cảm Thiên Đại Đế không như những nơi khác nằm ngay giữa gian tiền điện, mà lại nằm ở hai bên. Điều này giúp ánh sáng gọi vào chùa nhiều hơn. Kế đó là bàn hương án. Trên đó có bày bộ ngũ sự và có chừa khoảng trống để bày lễ vật trong các kỳ cúng tế.

Trong cùng là gian chính điện thờ ông Bổn, tức Trịnh Ân - một vị phúc thần. Vì vậy bà con trong vùng vẫn quen gọi chùa Cảm Thiên Đại Đế là chùa Ông. Tượng Ông được đặt trong trang thờ bằng gỗ. Trang thờ này được trang trí đẹp theo phong cách truyền thống. Trước trang thờ cũng có rèm phủ, xung quanh võng lọng được chạm trổ khéo léo, tinh xảo. Xung quanh có treo rất nhiều đèn lồng đỏ cùng vô số câu đối làm cho ngôi chùa nổi bật lên vẻ đẹp uy nghiêm nhưng không kém phần lộng lẫy.

“Điểm khác biệt của Chùa Cảm Thiên Đại Đế là hệ thống vì kèo được trang trí khá độc đáo. Không chỉ có tác dụng nâng đỡ hệ thống mái, những cây kèo ngang, kèo đứng của chùa còn là nơi lưu giữ những tác phẩm điêu khắc có giá trị với các đề tài cuốn thư, bài thơ, mây nước, hoa lá, chim muông… được chạm chìm, chạm nổi rất tinh tế và tỉ mỉ mà không phải ngôi chùa Hoa nào cũng có được. Chính điều này đã góp phần tạo nên nét đẹp riêng về kiến trúc nghệ thuật của một công trình tôn giáo - tín ngưỡng dân gian đã trên 100 năm tuổi. Ngoài ra, bên trong chùa vẫn còn lưu giữ nhiều bức hoành phi, liễn đối chạm khắc tinh xảo, gắn liền với lịch sử hình thành và tồn tại của ngôi chùa”(3).

Trong năm, chùa có rất nhiều kỳ cúng (theo âm lịch): mùng 4 tháng Giêng: rước ông bà, cúng bình an; 15 tháng Giêng: cúng Nguyên tiêu; 29 tháng 3 Vía Ông; 16 tháng 7: cúng thí thực; 24 tháng 12: cúng tất niên, đưa Ông. Trong đó, lễ Vía Ông vào ngày 29 tháng 3 (âm lịch) là lễ hội lớn nhất diễn ra tại Chùa Cảm Thiên Đại Đế hằng năm. Ngoài ra, theo thông lệ chùa còn cúng lễ vào các dịp Tết Nguyên Đán, Tết Nguyên Tiêu, Tết Trung Thu… Tất cả nhằm cầu mong một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, yên bình. Đặc biệt, trong lễ Vu Lan được tổ chức vào rằm tháng 7, Ban Quản trị chùa cùng các nhà hảo tâm, các vị mạnh thường quân còn tổ chức phát gạo cho những gia đình nghèo khó ở địa phương.

Chùa Cảm Thiên Đại Đế là một công trình kiến trúc nghệ thuật, thể hiện rõ qua phong cách kiến trúc, các đề tài trang trí với kỹ thuật chạm trổ tinh tế, uyển chuyển, vừa giữ được nét nghiêm trang của điện thờ, vừa tạo được sự gần gũi trong không gian sinh hoạt đô thị. Ngoài chức năng là hội quán, Chùa Cảm Thiên Đại Đế còn được xem như một trung tâm bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống của đồng bào dân tộc Hoa, là nơi quy tụ và tương trợ lẫn nhau của cộng đồng dân cư cùng sinh sống trên mảnh đất này.

Huỳnh Hà

------------

(1) Ban Quản lý di tích thành phố Cần Thơ, Di tích lịch sử - văn hóa thành phố Cần Thơ, tr.200.

(2) Ban Quản lý di tích thành phố Cần Thơ (2019), sđd, tr.199

(3) http://cantho.gov.vn/wps/wcm/connect/sovhttdl/sub_site/menu+ngang/van+hoa/quan+ly+van+hoa/di+san+van+hoa/ditichcamthiendaide. Ngày truy cập: 25-5-2025.

Other news

Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng DIFF-2025: Đội Trung Quốc giành chức vô địch
Đội Trung Quốc đã khẳng định sức mạnh của một cường quốc pháo hoa trên thế giới bằng màn trình diễn “Đà Nẵng: Viên ngọc tỏa sáng, Thành phố tương lai,” với các hiệu ứng ánh sáng đầy biến hóa.
Lễ nhập hạ - nét đẹp văn hóa của đồng bào Khmer Nam bộ 
Hằng năm, cứ đến ngày Pinh Bôramey (rằm), khe-Asath (theo Phật lịch Khmer), các chùa Phật giáo Nam tông Khmer ở Nam Bộ nói chung và TP Cần Thơ nói riêng lại trang trọng tổ chức lễ Banh Chôl Pres Vassa
Chùa Cảm Thiên Ðại Ðế ở Ô Môn 
Chùa Cảm Thiên Đại Đế được xây dựng vào năm 1871, là một trong những ngôi chùa của đồng bào dân tộc Hoa còn được bảo quản tốt hiện trạng kiến trúc từ lúc mới xây dựng đến nay.
“Thiết tha miền Hậu Giang” 
“Tuyển tập Tác phẩm văn học, nghệ thuật tiêu biểu sáng tác về Hậu Giang sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975-30/4/2025)” là ấn phẩm vừa được Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Hậu Giang
Thầy giáo trẻ ở TP Cần Thơ được tặng Giải thưởng tại Triển lãm ảnh “Việt Nam qua ống kính nhiếp ảnh gia quốc tế” 
(CT) - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành quyết định về việc tặng Giải thưởng cho các tác giả tại Triển lãm ảnh “Việt Nam qua ống kính nhiếp ảnh gia quốc tế” (lần 3).
Top