Chuyển đất lúa sang trồng dâu tằm nâng cao thu nhập
Chuyển đất trồng lúa sang trồng dâu tằm và cà na Thái, ông Nguyễn Văn Cường (51 tuổi, ngụ xã Hòa Bình Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) có thu nhập hơn 150 triệu đồng/năm.
Nhờ 3 công đất trồng dâu tằm, cà na Thái giúp ông Cường thoát nghèo.
Trước đây, gia đình ông Cường chỉ canh tác lúa và trồng rau màu trên diện tích 3 công đất. Mỗi năm, ông chỉ có thu nhập từ 20-30 triệu đồng, nên cuộc sống luôn chật vật, khó khăn. Năm 2015, tình cờ được người thân giới thiệu mô hình trồng cây dâu tằm bán trái, ông Cường mạnh dạn tìm mua cây giống về trồng thử nghiệm. Và chỉ sau 1 năm trồng, dâu bắt đầu cho thu hoạch, hiệu quả kinh tế cao qua từng năm. Giờ đây, dù bất kể ngày nào trong năm gia đình ông cũng đều có nguồn thu ổn định từ cây dâu tằm. “Ban đầu, với số vốn ít ỏi, tôi chỉ đủ tiền mua 20 gốc dâu tằm trồng sau vườn. Trồng khoảng 10 tháng dâu tằm có trái. Tuy nhiên, do trái còn nhỏ, chưa đạt năng suất nên tôi đợi sang năm thứ 2 mới xử lý trái rộ và bán trái”, ông Cường cho biết.
Thấy đây là loại cây trồng tiềm năng, có thể giúp gia đình thoát nghèo. Ông Cường quyết định cải tạo 3 công đất trồng màu để chiết cành trồng phủ khắp vườn. Đến nay, có hơn 240 gốc dâu tằm đang cho trái. Dâu tằm có trái quanh năm, nhưng chín vụ vào mùa nắng từ tháng 12 đến tháng 3 hằng năm. Để chủ động nguồn cung, ông Cường xử lý trái, mỗi đợt 40 gốc xoay vòng quanh năm. “Trồng dâu tằm khỏe re, nhẹ công hơn các loại cây trồng khác. Cứ ăn trái, đến ngày cây gần rụng lá cho đến đợt thu mới thì tiến hành tỉa cành, rồi bón phân gốc, xịt kích ra hoa đậu trái 3 đợt, rồi ăn luôn tới tàn đợt”, ông Cường cho biết.
Cây dâu tằm được trồng bằng nhánh chiết hoặc giâm cành. Sau 1 năm trồng bắt đầu cho trái, nhưng để có năng suất cao và ổn định phải cần đến 1,5-2 năm. Càng về sau cây sẽ cho trái càng nhiều. Đặc biệt, trồng dâu tằm ăn không tốn nhiều chi phí đầu tư phân bón và thuốc bảo vệ thực vật... Trồng một lần cây cho trái và kéo dài thời gian khoảng 5-7 năm mới trồng lại mới. Giá bán dâu tằm từ 40.000-50.000 đồng/kg, cao gấp hơn nhiều so với giá lúa, lại ổn định so với nhiều loại cây ăn trái khác. “Trái tươi nếu bán không hết, hay những mùa giá không tốt có thể để làm cốt dâu, dâu với đường nấu làm siro dâu bán cho bà con để tủ lạnh uống nước đá. Nhờ đó cũng không sợ giá trồi sụt”, ông Cường nói.
Tận dụng diện tích mé ao, ông Cường còn trồng thêm cà na Thái với hơn 100 gốc. Ngoài bán trái tươi với giá 15.000 đồng/kg, gia đình ông còn chế biến thành cà na đập, được khách hàng ưa chuộng, phần tiện bảo quản và dễ vận chuyển. Từ chỗ thiếu hụt trước sau, giờ đây cây dâu tằm và cà na Thái giúp gia đình ông Cường có thu nhập hơn 150 triệu đồng/năm. Ngoài trồng dâu tằm ăn bán cho thương lái, ông còn có ý tưởng khi dâu vào mùa chín rộ, cho khách vào vườn vui chơi dưới tán dâu để chụp hình, quay phim…
Bài, ảnh: NGUYỄN TRINH