Công nghiệp quốc phòng châu Âu “tiến thoái lưỡng nan”
Tại hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) được tổ chức ở thành phố The Hague (Hà Lan) vừa qua, các thành viên liên minh quân sự này cam kết tới năm 2035 sẽ tăng chi tiêu quốc phòng hằng năm lên mức tương đương 5% GDP, cao hơn gấp đôi mục tiêu 2% GDP mà NATO đặt ra trước đó hồi năm 2014 với hy vọng rằng bước đi này sẽ mang lại lợi ích cho ngành công nghiệp quốc phòng của họ.
F-35, chiến đấu cơ của Mỹ được nhiều nước châu Âu mua trong năm 2024. Ảnh: NYT
Song, cam kết trên vô hình trung khiến châu Âu rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan”. Theo đó, họ không biết có nên xây dựng ngành công nghiệp quân sự của riêng mình hay nên tiếp tục đầu tư, ít nhất một phần, vào công nghệ quốc phòng tiên tiến hiện có của Mỹ.
Theo tuyên bố, khoản chi nói trên sẽ được chia thành 2 phần: ít nhất 3,5% GDP dành cho các yêu cầu quốc phòng cốt lõi (vũ khí, lực lượng, huấn luyện) và tối đa 1,5% GDP cho các lĩnh vực như bảo vệ hạ tầng thiết yếu, an ninh mạng, đổi mới công nghệ.
Lâu nay, châu Âu thiếu các giải pháp thay thế chất lượng dành cho một số thiết bị quốc phòng thiết yếu do các công ty Mỹ sản xuất, trong đó gồm F-35, chiến đấu cơ tàng hình sở hữu nhiều khả năng tiên tiến mà các đối thủ châu Âu không thể sánh kịp. Chưa kể, châu Âu còn nhập khẩu hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot, bệ phóng tên lửa, máy bay không người lái (UAV), pháo tầm xa dẫn đường vệ tinh, hệ thống chỉ huy cùng với hầu hết các phần mềm để vận hành chúng từ Mỹ.
Trong bối cảnh trên, giới chức châu Âu đang áp dụng một chiến lược trung dung. Theo đó, họ đặt ra giới hạn về số tiền được chi để mua thiết bị của Mỹ từ một số khoản tiền nhất định, gồm chương trình tài trợ quốc phòng hàng đầu của Liên minh châu Âu (EU) trị giá 150 tỉ euro. Từng quốc gia sẽ thực hiện phần lớn việc mua sắm quốc phòng và được tự do phân bổ nguồn lực của mình miễn sao họ thấy phù hợp. Trong khi đó, một số quan chức Pháp và các tổ chức EU thì ủng hộ quan điểm sử dụng các quỹ của châu Âu cho ưu tiên dài hạn là xây dựng ngành công nghiệp quốc phòng của riêng mình để không quá phụ thuộc vào Mỹ.
Về phần mình, giới chức các quốc gia Bắc Âu, vùng Baltic và Ba Lan cho rằng châu Âu cần có năng lực ngay bây giờ để có thể giúp Ukraine và nên chi tiêu theo cách ít bảo hộ hơn. Giới chức Ba Lan lập luận rằng giải pháp này là phù hợp. Ba Lan là một trong những quốc gia chi tiêu quốc phòng lớn nhất châu Âu tính theo tỷ lệ thu nhập quốc dân và chủ yếu mua vũ khí tinh vi từ Mỹ. Theo họ, do các quốc gia châu Âu sẽ chi cho quốc phòng lớn hơn rất nhiều so với trước đây nên họ có thể vừa mua các sản phẩm chuyên dụng từ Mỹ vừa đầu tư vào ngành công nghiệp quốc phòng địa phương. “Từ ngân sách quốc gia của chúng tôi, hầu các các nước châu Âu, trừ Pháp, sẽ tiếp tục mua một tỷ lệ lớn vũ khí từ Mỹ” - Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski phát biểu trước báo giới hồi tháng rồi.
Tuy nhiên, nếu theo giải pháp “hỗn hợp” do ông Sikorski đề xuất thì châu Âu có khả năng vẫn phụ thuộc vào các công nghệ quan trọng của Mỹ, giữa lúc một số quan chức ở lục địa già lo ngại rằng một ngày nào đó Washington có thể sẽ giữ lại các bản cập nhật phần mềm quan trọng.
Claudia Major, chuyên gia an ninh của Quỹ Marshall (Ðức) cho rằng tình thế “tiến thoái lưỡng nan” đó phần nào lý giải cho quan điểm do các quan chức Bắc Âu và Ðức đưa ra rằng châu Âu phải duy trì mối quan hệ tốt đẹp với các công ty quốc phòng Mỹ ngay cả khi quan hệ với ông Trump trở nên căng thẳng.
Bất chấp những nỗ lực nhằm tăng cường quốc phòng trong nước, các quốc gia châu Âu vẫn phụ thuộc vào Mỹ để lấp đầy những khoảng trống quan trọng. Trong năm qua, EU, Anh, Na Uy và Thụy Sĩ đã mua hơn 15.000 tên lửa, 2.400 xe bọc thép và 340 máy bay từ Mỹ, vượt xa những gì các quốc gia châu Âu mua từ nhau. Chỉ trong năm ngoái, ít nhất 38 chiếc F-35 đã được Mỹ chuyển giao đến các quốc gia châu Âu, gồm Bỉ, Ðan Mạch, Ý, Na Uy, Hà Lan, Ba Lan và Anh.
TRÍ VĂN (Tổng hợp)