Mỹ - Israel đồng điệu trong chiến lược ở Trung Đông
Đón tiếp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 7-7 cho biết Washington đã lên lịch đàm phán với Iran; đồng thời chỉ ra tiến triển trong nỗ lực gây tranh cãi nhằm di dời người Palestine khỏi Gaza.
Tổng thống Trump (trái) nhận tài liệu từ Thủ tướng Netanyahu. Ảnh: Getty Images
Đây là cuộc gặp trực tiếp thứ 3 giữa Tổng thống Trump với nhà lãnh đạo Israel kể từ khi trở lại Nhà Trắng vào tháng 1 năm nay. Sự kiện diễn ra chỉ hơn 2 tuần sau khi ông Trump phát lệnh ném bom các địa điểm hạt nhân của Iran để hỗ trợ chiến dịch không kích của Israel.
Trao đổi với phóng viên, cả 2 nhà lãnh đạo lạc quan tin rằng thành công ở Iran đánh dấu kỷ nguyên mới ở Trung Đông. Ông Trump cũng hy vọng Mỹ sẽ không phải tấn công Iran thêm lần nữa, sau ngụ ý cho biết Washington đã lên lịch đàm phán với Tehran khi xét thấy Tehran cũng có ý định như vậy. Đặc biệt, Tổng thống Trump còn để ngỏ khả năng dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Iran vào thời điểm thích hợp.
Dẫn lời đặc phái viên của Tổng thống Trump về Trung Đông Steve Witkoff, hãng tin Reuters cho biết cuộc họp với Iran có thể diễn ra sớm nhất vào tuần tới. Hiện Tehran chưa xác nhận đã đồng ý nối lại đàm phán với Mỹ, nhưng trong buổi phỏng vấn cùng ngày, Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian lạc quan tin tưởng khả năng 2 bên giải quyết bất đồng thông qua đối thoại. Tehran cũng sẵn sàng nối lại hợp tác với cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hiệp Quốc, nhưng không cam kết cho phép thanh tra viên tiếp cận không hạn chế các địa điểm.
Thúc đẩy thỏa thuận Gaza
Trước chuyến thăm, Thủ tướng Netanyahu xác nhận các quan chức Israel đang thúc đẩy thỏa thuận về Gaza do Mỹ làm trung gian trong các cuộc đàm phán giáp tiếp với nhóm vũ trang Hồi giáo người Palestine Hamas tại Qatar. Phát biểu ngày 7-7, Tổng thống Trump khẳng định mọi thứ đang diễn ra tốt đẹp và rằng không có điều gì ngăn cản thỏa thuận hòa bình ở Gaza.
Hiện một số đối tác theo đường cứng rắn trong liên minh cầm quyền của Israel phản đối việc dừng các hoạt động quân sự, nhưng với việc người Israel ngày càng mệt mỏi với cuộc chiến ở Gaza, chính phủ của Thủ tướng Netanyahu dự kiến ủng hộ lệnh ngừng bắn nếu đảm bảo các điều khoản có thể chấp nhận được.
Theo đề xuất ngừng bắn kéo dài 60 ngày nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 21 tháng ở Gaza, Hamas được yêu cầu thả 10 con tin còn sống và trao trả thi thể của 18 con tin đã chết trong 5 giai đoạn. Đổi lại, Israel phải trả tự do cho số lượng không xác định tù nhân Palestine và rút khỏi Gaza.
Tuy nhiên, một quan chức Palestine nắm rõ tình hình cho biết phiên họp mới nhất ở Qatar đã kết thúc mà không đạt đột phá nào. Theo giới phân tích, một trong những trở ngại chính hiện nay là cách viện trợ ở Gaza khi Hamas muốn chấm dứt hoạt động của Quỹ Nhân đạo Gaza do Mỹ và Israel hậu thuẫn còn Tel Aviv thì từ chối thảo luận vấn đề này. Ngoài ra, theo yêu cầu của Hamas thì cần chấm dứt chiến tranh trước khi thả các con tin còn lại. Về phần mình, Israel nói rõ nước này sẽ không chấp nhận ngừng chiến cho đến khi tất cả các con tin được thả và Hamas bị giải tán.
Liệu có tương lai tốt đẹp cho người Palestine?
Hồi đầu năm, Tổng thống Trump đưa ra đề xuất di dời người Palestine và tiếp quản Dải Gaza để biến nơi này thành khu nghỉ dưỡng hạng sang của Trung Đông. Người dân Gaza và Chính quyền Palestine đã bác bỏ kế hoạch trên vì cho rằng nó vi phạm luật pháp quốc tế.
Đề cập lại vấn đề này, Thủ tướng Netanyahu cho biết Israel và Mỹ đang làm việc cùng các nước trong khu vực nhằm mang lại cho người Palestine “một tương lai tốt hơn”. Tổng thống Trump cũng bày tỏ kỳ vọng vào một kết quả tốt đẹp sau khi ca ngợi quan hệ hỗ trợ lẫn nhau giữa Tel Aviv và các nước xung quanh.
Nói thêm về kế hoạch trên, ông Netanyahu khẳng định tất cả người dân Gaza đều có quyền chọn lựa ở lại hoặc chuyển đến những nước láng giềng nếu muốn. Đồng thời, lãnh đạo Israel hạ thấp triển vọng về một nhà nước Palestine hoàn chỉnh khi nói rõ Tel Aviv sẽ luôn duy trì quyền kiểm soát an ninh đối với Dải Gaza.
Cũng tại cuộc họp, Thủ tướng Netanyahu đã trao cho Tổng thống Trump thư đề cử với ủy ban xét giải Nobel hòa bình nhằm tôn vinh những nỗ lực của nhà lãnh đạo Mỹ trong việc chấm dứt xung đột ở Trung Đông. Đây là đề cử cấp cao thứ 2 dành cho Tổng thống Trump sau tuyên bố tương tự của Pakistan hồi tháng trước. Đoạt giải Nobel Hòa bình là mục tiêu lâu nay của ông Trump, người tự coi mình có năng lực gìn giữ hòa bình, nhất là sau thành công trong các thỏa thuận ngừng bắn mà chính quyền của ông tạo điều kiện gần đây giữa Ấn Độ - Pakistan, Cộng hòa Dân chủ Congo - Rwanda và Israel - Iran.
MAI QUYÊN (Theo AP, BBC)