Cùng hiểu, cùng làm vì tác phẩm báo chí chất lượng
Năm 2022, anh Nguyễn Vĩnh Hưng về công tác tại Đài Phát thanh và Truyền hình Long An (nay là Báo và Đài Phát thanh Truyền hình Long An) sau thời gian làm việc tại Hãng phim Truyền hình TP.HCM (gọi tắt TFS). Anh được phân công làm việc ở phòng Thời sự, với nhiệm vụ quay phim.
Quay phim Vĩnh Hưng (Báo và Đài Phát thanh Truyền hình Long An) luôn tìm tòi góc máy khác nhau để có được những khung ảnh đẹp
Từng tham gia làm nhiều phim tài liệu, anh Hưng có kinh nghiệm đặt góc máy rất chắc, chú trọng từng chi tiết trong khung hình, đặc biệt biết cách bắt từng khoảnh khắc. Nhiều bộ phim tài liệu, anh và ê-kíp có khi làm cả năm, thậm chí thời gian lâu hơn mới hoàn thành. Cũng vì vậy mà thời gian đầu về làm việc tại Phòng Thời sự, anh bỡ ngỡ, chưa bắt nhịp được với công việc.
Bởi đặc thù của quay phim thời sự là nhanh, chính xác, không đòi hỏi cao về nghệ thuật. Được sự quan tâm của lãnh đạo đơn vị cùng tinh thần ham học hỏi, anh nhanh chóng hòa nhập với môi trường mới. Dù vậy, anh vẫn giữ được phong cách quay phim của riêng mình, chỉ cần nhìn vào khung hình, đồng nghiệp có thể nhận ra do anh Vĩnh Hưng quay.
Nhà báo Quế Quyên (Báo và Đài Phát thanh Truyền hình Long An) chia sẻ: “Làm phóng sự ngắn, so với các bạn quay phim khác, anh Vĩnh Hưng quay chậm hơn rất nhiều, thậm chí một cảnh mà quay đi quay lại cả giờ đồng hồ, chừng nào hài lòng mới thôi. Ai chưa hiểu sẽ trách anh Vĩnh Hưng làm việc không hiệu quả nhưng về xem hình ảnh sẽ thấy đẹp, truyền tải tốt nội dung biên tập đang cần”.
Ngoài quay phim, dựng phim đóng vai trò quan trọng, góp phần nâng tầm sản phẩm. Những người dựng phim tâm huyết, trách nhiệm luôn đòi hỏi cao về chất lượng đầu vào như kịch bản, âm thanh, hình ảnh,... Chị Lê Thùy Linh (Báo và Đài Phát thanh Truyền hình Long An) là một trong những người dựng phim như thế! Trước khi bắt tay vào dựng phim, chị Linh kiểm tra cẩn thận từng source hình, đọc kịch bản nhiều lần. Trường hợp source hình không đủ hoặc không bảo đảm chất lượng, chị Linh mạnh dạn góp ý để sản phẩm tốt nhất trong điều kiện cho phép.
Phóng viên Huỳnh Phong (Báo và Đài Phát thanh Truyền hình Long An) nói: “Ban đầu làm việc chung, tôi thường bị chị đặt câu hỏi liên tục như tại sao không quay cái này, không quay cái kia, hình bao nhiêu sao dựng đủ, ánh sáng sao không đồng đều,... Lúc đó cũng cảm thấy khó chịu nhưng nghĩ lại chính yêu cầu cao này giúp ê-kíp rút ra kinh nghiệm, cần phải tư duy hình ảnh nhiều hơn, tìm cách đặt góc máy mới, không rập khuôn,... Quan điểm của chị Linh là sản phẩm làm ra, ê-kíp phải hài lòng thì công chúng mới có thể đón nhận".
Làm việc nhóm đôi khi cũng bất đồng quan điểm nhưng mọi người biết dung hòa, đặt mục tiêu vì tác phẩm báo chí chất lượng lên trên hết. Nhà báo Thảo Trang (Báo và Đài Phát thanh Truyền hình Long An) cho biết: “Truyền hình là sản phẩm tập thể, đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng của cả ê-kíp từ khâu biên tập lên ý tưởng nội dung, đặt nền móng để xây dựng kịch bản, dẫn dắt mạch cảm xúc đến quay phim - ghi lại khoảnh khắc sống động qua từng khung hình.
Khâu dựng hình và xử lý hậu kỳ cũng tinh chỉnh chi tiết nhỏ, đầy sáng tạo như câu chuyện kể bằng hình ảnh. Giọng đọc phù hợp với thuyết minh cũng góp phần đưa mạch phim đến gần với khán giả hơn. Mỗi thành viên trong ê-kíp đều có vai trò riêng nhưng chung lửa đam mê sáng tạo, phối hợp nhịp nhàng. Đó cũng là mắt xích quan trọng để tạo nên tác phẩm truyền hình có dấu ấn riêng, lan tỏa thông điệp một cách chân thật, gần gũi và đầy cảm xúc”.
Lợi thế của làm việc nhóm trong tác nghiệp báo chí là nhanh, hiệu quả và nâng tầm tác phẩm chất lượng./.
Kim Ngọc