26/04/2025
x
+
aa
-

Mẹ kể con nghe tiếng của biển khơi 

Tôi bần thần đứng bên giường bệnh nhìn mẹ nằm mê man. Mẹ đã luôn im lặng gồng gánh hết mọi thứ trên đời, khiến tôi từ nhỏ cứ nghĩ rằng mẹ luôn luôn mạnh khỏe. Thì ra mẹ giấu những cơn bạo bệnh, cho đến khi gục ngã...

Ba tôi mất trong một lần đi biển khi tôi vừa lên bảy, thằng út vẫn còn đang ẵm ngửa trên tay. Ký ức của tôi về nỗi đau to lớn ấy thu lại vừa bằng bóng hình gầy gò của mẹ gục xuống bất lực trước biển khơi. Đó cũng là lần hiếm hoi tôi thấy mẹ khóc, vì ngay khi nhác thấy tôi đang nhìn đau đáu, mẹ vội lau nước mắt và dang tay đón tôi chạy òa vào lòng mẹ. Kể từ lần ấy, bóng hình của mẹ lớn dần trong tiềm thức của tôi, vì mẹ là trụ cột trong nhà. Khi tôi lớn thêm một chút đã dậy sớm theo mẹ ra cảng để mua cá từ thuyền chài, rồi lại phụ mẹ chất cá lên xe ra chợ bán. Thi thoảng tôi vẫn nghe nhiều người thương cảm mẹ:

- Khổ thân, còn trẻ mà chồng đã mất rồi. Chồng mất vì biển nhưng giờ vẫn phải bám lấy biển để mưu sinh. Không có quyền hận.

Nghiệt ngã của những cuộc đời bám biển là vậy. Biển vừa là nguồn sống nhưng cũng là nơi chôn giấu thương đau. Mỗi khi rảnh rỗi, thường là những lúc chiều tà, khi mẹ dọn dẹp đồ bán ở chợ, tôi cũng vừa tan học về, hai mẹ con lại ra cảng chỉ để ngồi nhìn ráng chiều đang từ từ đổ xuống. Mùi tanh nồng của cá vẫn thấm đượm cả mùi mồ hôi của mẹ, khiến tôi cảm nhận thực tế khác hẳn những gì người ta hay kể về sự lãng mạn mỗi khi đối diện với biển. Dẫu vậy, với tôi đó vẫn là mùi thân thuộc, yêu thương. Tôi trân trọng từng sợi tóc mẹ rối bời trong gió biển, cho những tháng ngày tóc tôi trổ dài óng ả. Trong gió biển tôi vẫn hay nghe mẹ nói:

- Mỗi khi nhớ ba mẹ vẫn thường hay ngắm biển và có cảm giác tiếng biển có tiếng ba trong đó.

Lần nào nghe mẹ nói tôi cũng khóc. Mẹ muốn tôi hiểu biển không mang lại cảm giác buồn thương và mong tôi biết rằng dù ba đã ra đi thì bằng cách nào đó ba vẫn luôn ở trong lòng mẹ và chúng tôi. Dù như thế nào đi nữa mẹ và hai chị em tôi cũng phải sống thật tốt vì nhất định ba sẽ "biết", nhất định ba sẽ "dõi theo". Có lẽ vì vậy mà tôi lớn lên cũng có thói quen tâm sự với biển. Mỗi khi buồn, nhớ ba hoặc muốn khoe gì đó, tôi đều sẽ ra biển. Vì tôi biết mỗi khi tôi kể, từng cơn sóng vỗ rì rào như đang trả lời tôi, trong tiếng biển ấy cảm thấy như có cả tiếng ba đáp lại rằng đang lắng nghe.

Khi tôi lớn lên thêm chút nữa, ngoại kể về chuyện hồi ba tôi mất được một thời gian, có người đàn ông vì thương mẹ mà ngỏ ý muốn chăm sóc cho mẹ cùng chị em tôi. Thế nhưng, mẹ chỉ thương mỗi mình ba nên từ chối. Người đó vẫn kiên trì chờ đợi. Khi tôi bước vào năm cuối cấp, ông bà ngoại lần lượt rời cõi tạm, mẹ tôi trở thành chị lớn nhất trong gia đình có năm người em. Dẫu các cậu dì của tôi lần lượt lập gia đình, thì mẹ tôi vẫn là trụ cột để các em dựa vào khi chẳng may khốn khó.

- Mẹ à, hay mẹ đi thêm bước nữa đi. Cả con và em đều muốn mẹ có người làm chỗ dựa, mẹ đã gồng gánh đủ rồi.

Suy nghĩ mãi cuối cùng tôi cũng lấy hết can đảm nói với mẹ như vậy, vì tôi thấy mẹ đã làm chỗ dựa cho rất nhiều người, nhưng lại chưa bao giờ cho phép bản thân có thể nương tựa một ai đó. Lúc nghe tôi nói vậy, mẹ dẫn tôi ra biển và bằng giọng điệu như trêu đùa tôi, mẹ hướng về biển khẽ nói:

- Biển ơi, con gái tôi muốn tôi lấy chồng. Nếu biển đồng ý thì hãy trả lời, tôi nhất định sẽ nghe theo biển.

Và tất nhiên biển làm sao có thể trả lời. Đưa về chỉ là tiếng gió, mùi nồng nàn của biển, những ánh sao in trên biển lấp lánh và bóng dáng nhỏ bé của mẹ tôi.

- Mẹ ăn gian quá, biển làm sao trả lời mẹ được.

- Biển không trả lời là không đồng ý, chứ mẹ hiểu tiếng biển mà.

Sau này tôi không còn nhắc đến chuyện đó nữa, vì tôi hiểu khi mẹ đã quyết định, không ai có thể thay đổi. Khi tôi bước vào đại học, cuộc sống dần ổn định hơn, mẹ cũng để dành được ít tiền, nuôi thêm gà, trồng thêm rau, trang trải cuộc sống và có tiền cho tôi học đại học xa nhà. Lúc tôi tốt nghiệp và bắt đầu nhận những tháng lương đầu tiên thì nghe tin em trai tôi quyết định theo nghề đi biển giống như ba. Tôi đã tức tốc thu xếp mọi việc để về nhà gặp em. Suốt dọc đường về, nỗi đau và cả nỗi sợ vẫn in hằn trong ký ức của tôi thời thơ bé cứ tràn về.

- Mẹ không cản, vì với em nghề ra khơi đánh cá là ước mơ từ nhỏ.

Tôi đã rất bất ngờ khi mẹ không ngăn em trai tôi, nhưng nhìn đôi mắt đỏ hoe tràn ngập hoàng hôn của mẹ, tôi chợt hiểu dẫu có ra sao mẹ vẫn tôn trọng mọi sự lựa chọn của con mình. Em tôi lớn lên trong những câu chuyện mẹ kể về sự dũng cảm của ba và cũng muốn duy trì nếp sống của nơi mà những người trẻ khi đủ tuổi trưởng thành vẫn theo ba của họ ra khơi. Ngày em tôi lên thuyền lần đầu tiên, cả tôi và mẹ đều ra tiễn:

- Mẹ nghe tiếng biển nói rất rõ, rằng biển sau này sẽ luôn bảo vệ con trai của mẹ.

Với mẹ, trong cuộc sống không phải lúc nào cũng gặp phải nỗi đau lặp lại, cũng không hẳn khi ta tránh né nó thì ta sẽ có lựa chọn khác tốt hơn. Tôi đi làm trên thành phố, khi rảnh mới lại về quê thăm mẹ. Mẹ ở nhà với em tôi những khi em không đi biển, còn lại cũng vò võ một mình. Cuộc sống nơi phố thị cũng đầy những bôn ba lo toan và chuyện của chốn văn phòng vốn cũng không yên ả. Có những lúc mệt mỏi quá, tôi lại xin nghỉ phép để về lại bên biển, ngồi im lặng nghe tiếng của biển khơi. Tôi không còn là một cô bé có thể kể mọi chuyện như đang tâm sự với ba, sự trưởng thành làm tôi im lặng.

- Kể mẹ nghe đi, giờ mẹ sẽ là biển của con.

Dường như mẹ luôn biết khi nào tôi có chuyện dù tôi cố giấu. Mẹ bảo với tôi:

- Hãy cứ sống đúng là mình, không làm hại bất kỳ ai là được. Còn nếu chỉ vì điều tiếng của người khác mà con sống nương theo họ, thì với họ sẽ không bao giờ là đủ, mà cả con cũng mệt mỏi vì không thể là chính mình.

***

Tôi đẩy xe lăn đưa mẹ ra ngắm biển khi mẹ vừa bình phục sau phẫu thuật. Ở khu vực này, những cơn gió biển mát rượi không thổi đến mùi tanh nồng và mồ hôi thấm đượm phận mưu sinh. Cũng là biển cả thôi nhưng ở mỗi góc nhìn khác nhau đã mang đến một tâm trạng rất khác. Tôi đã trưởng thành và cũng đồng thời nhận ra khi mình lớn dần lên cũng là lúc những nỗi đau sẽ bé lại. Thời gian mang trong mình quyền năng làm cho tôi cảm thấy những thứ, những điều làm tôi tổn thương ngày trước có to tát đến mức nào cũng sẽ bỗng nhiên bị phai nhạt, thậm chí bị lãng quên. Quan trọng là thực tại và cách tôi chuẩn bị cho tương lai. May mà tôi vẫn còn có mẹ, có em.

- Cuộc sống tốt hay không bởi chính bản thân mỗi chúng ta chọn cách đối mặt. Cách mẹ chọn là biết ơn biển đã mang lại những đủ đầy cho phận mưu sinh - mẹ khẽ nói với tôi.

Lạ lùng ghê, đột nhiên tôi cảm thấy mình thu bé lại vừa bằng một đứa trẻ. Đưa trẻ đang nắm tay mẹ, vẫn được mẹ dìu dắt dạy dỗ từng điều, từng cách đối diện với cuộc sống và cả cách nghe tiếng của biển khơi.

Truyện ngắn: LÊ HỨA HUYỀN TRÂN

Top