Quốc tế lên án hành động quân sự của Israel tại Syria
Israel cho biết họ đã tấn công hầu hết các "kho vũ khí chiến lược" ở Syria. Ảnh: Reuters |
Ngày 11/12, Ai Cập đã lên án Israel nhắm mục tiêu có hệ thống vào cơ sở hạ tầng quân sự trong lãnh thổ Syria, đồng thời nhắc lại quan điểm của Cairo hoàn toàn phản đối việc Tel Aviv lợi dụng xung đột nội bộ của Syria.
Bộ Ngoại giao Ai Cập chỉ trích Israel đã cố tình ném bom và phá hủy nhiều địa điểm, căn cứ, vũ khí, thiết bị và hệ thống quân sự trên khắp Syria trong 2 ngày qua. Ai Cập lên án Israel đã củng cố sự hiện diện phi pháp và mở rộng quyền kiểm soát đối với các khu vực bị chiếm đóng sâu trong lãnh thổ Syria.
Trước đó, trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Mỹ Antony Blinken ngày 10/12, Ngoại trưởng Ai Cập Badr Abdelatty cũng lên án việc Israel chiếm giữ lãnh thổ Syria, đồng thời kêu gọi thúc đẩy hành động quốc tế nhằm ngăn chặn hành động quân sự này.
Cũng trong ngày 11/12, Bộ Ngoại giao Pháp nhấn mạnh Israel phải rút quân khỏi vùng đệm ngăn cách Cao nguyên Golan. Theo Bộ Ngoại giao Pháp: "Bất kỳ hoạt động triển khai quân nào trong vùng đệm giữa Israel và Syria đều vi phạm thỏa thuận rút quân năm 1974. Pháp kêu gọi Israel rút khỏi khu vực này, đồng thời tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Syria".
Bình luận trên được Pháp đưa ra sau khi Ả rập Xê út, Iran, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cũng có động thái tương tự.
Trước bối cảnh trên, ngày 11/12, Đặc phái viên Liên hợp quốc về Syria Geir Pedersen nhấn mạnh chính phủ chuyển tiếp của Syria cần thúc đẩy một tiến trình chuyển đổi chính trị bao trùm hơn, với sự tham gia của các đảng phái và cộng đồng khác nhau, nhằm tránh làn sóng xung đột mới.
Quan chức Liên hợp quốc quan ngại quá trình chuyển đổi sẽ tạo ra những mâu thuẫn mới theo cách có thể dẫn đến xung đột mới và nguy cơ có thể xảy ra một cuộc nội chiến mới ở Syria.
Theo ông Pedersen, việc chỉ định ông Mohammad Al-Bashir làm Thủ tướng chính phủ chuyển tiếp của Syria đã tạo ra một số phản ứng trái chiều trong dư luận nước này. Điều quan trọng là chính quyền mới ở Damascus phải làm rõ những gì họ muốn đạt được trong vòng 3 tháng tính từ thời điểm này.
Đề cập đến tuyên bố của tân Thủ tướng Mohammad Al-Bashir về việc sẽ đảm bảo quyền của tất cả mọi người và tất cả các giáo phái ở Syria, ông Pedersen nhận định đây là một động thái nhằm xoa dịu những lo ngại về chính sách của chính phủ chuyển tiếp đối với các nhóm thiểu số, đồng thời cho thấy họ hiểu rõ việc "cần chuẩn bị cho một quá trình bao trùm hơn", với sự tham gia của các đảng phái, thành phần xã hội và các phe phái vũ trang khác nhau cũng như nữ giới.
Theo cảnh báo của ông Pedersen, việc thiếu vắng một tiến trình chuyển đổi chính trị bao trùm, sẽ không chỉ dẫn đến xung đột mới, thậm chí là nội chiến, mà còn tạo ra những phản ứng tiêu cực từ các quốc gia láng giềng. Điều quan trọng là không có tác nhân quốc tế nào làm bất cứ điều gì có nguy cơ làm chệch hướng quá trình chuyển tiếp rất phức tạp ở Syria.
Quân đội Israel, ngày 11/12 cho biết họ đã tiến hành hơn 400 cuộc không kích trong 48 giờ qua vào các mục tiêu quân sự chiến lược ở Syria, vài ngày sau khi quân nổi dậy Syria lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad. Các mục tiêu bao gồm 15 tàu hải quân tại hai cơ sở của Hải quân Syria – gồm cảng Al-Bayda và cảng Latakia, các khẩu đội phòng không và địa điểm sản xuất vũ khí ở thủ đô Damascus và các thành phố quan trọng khác./.