25/03/2025
x
+
aa
-

Quy hoạch khối ngành sư phạm đến năm 2030: Xóa trường cao đẳng, giảm đại học

Theo quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm đến năm 2030, các trường cao đẳng sư phạm sẽ phải sáp nhập, số lượng các trường đại học sư phạm cũng giảm mạnh.

Đến năm 2030, mạng lưới đại học đào tạo giáo viên dự kiến có từ 48 đến 50 cơ sở, giảm mạnh so với hiện nay (Ảnh: TTXVN)

Các trường cao đẳng sư phạm sẽ phải sáp nhập, giảm số lượng trường đại học có đào tạo sư phạm là một trong những điểm quan trọng trong Quyết định số 452/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050.

Theo đó, đến năm 2030, mạng lưới đại học đào tạo giáo viên dự kiến có từ 48 đến 50 cơ sở, giảm mạnh so với hiện nay. Hiện cả nước có 103 cơ sở đào tạo giáo viên, gồm 15 trường đại học sư phạm (6 trường đại học sư phạm, 6 trường đại học sư phạm kỹ thuật, 2 trường sư phạm thể dục thể thao, 1 trường sư phạm nghệ thuật), 50 trường đại học đa ngành và trường đại học đặc thù có đào tạo giáo viên, 20 trường cao đẳng sư phạm và 18 trường cao đẳng đa ngành có đào tạo giáo viên.

Cụ thể, theo quy hoạch, đến năm 2030, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học đào tạo giáo viên đạt quy mô từ 180.000 đến 200.000 người học, trong đó khoảng 85% ở trình độ đại học và 15% ở trình độ cao đẳng. Phân bố quy mô tại các vùng như sau:

Cơ cấu các trường sư phạm gồm ba nhóm: Nhóm trường chủ chốt chiếm 64% quy mô đào tạo, nhóm trường địa phương chiếm 30% quy mô đào tạo và nhóm trường gắn với lĩnh vực đặc thù chiếm 4% quy mô đào tạo.

Cụ thể, các cơ sở giáo dục đại học chủ chốt đào tạo giáo viên gồm 2 trường đại học sư phạm trọng điểm và 12 cơ sở giáo dục đại học khác trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, các đại học quốc gia và đại học vùng. Các đại học này giữ vai trò nòng cốt trong mạng lưới, tập trung nghiên cứu, phát triển khoa học, công nghệ giáo dục, đào tạo chất lượng cao và bồi dưỡng giáo viên, chiếm khoảng 64% quy mô đào tạo giáo viên toàn quốc, phục vụ nhu cầu sử dụng của từng vùng và cả nước. Danh sách và quy mô đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học chủ chốt đào tạo giáo viên như sau:

Các cơ sở giáo dục đại học trực thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh và một số cơ sở giáo dục đại học công lập khác có truyền thống đào tạo sư phạm tham gia đào tạo, bồi dưỡng giáo viên ở nhiều ngành, chiếm khoảng 30% quy mô đào tạo giáo viên toàn quốc, phục vụ chủ yếu nhu cầu sử dụng của địa phương.

Một số cơ sở giáo dục đại học có thế mạnh về các ngành công nghệ, nông lâm, ngôn ngữ, thể dục, thể thao, nghệ thuật tham gia đào tạo giáo viên các ngành sư phạm đặc thù, chiếm khoảng 6% quy mô đào tạo giáo viên toàn quốc.

Các cơ sở đào tạo giáo viên được sắp xếp, phát triển theo phương án: Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh được nâng cấp, phát triển thành các cơ sở giáo dục đại học trọng điểm quốc gia về sư phạm, định hướng nghiên cứu và đào tạo chất lượng cao, đóng vai trò hạt nhân và đầu tàu trong mạng lưới cơ sở giáo dục đại học đào tạo giáo viên.

Các trường đại học sư phạm thể dục và thể thao, sư phạm nghệ thuật được sắp xếp theo các phương án: sáp nhập với một trường đại học sư phạm hoặc cơ sở giáo dục đại học đa ngành, đa lĩnh vực có trường, khoa sư phạm hoặc khoa học cơ bản; sáp nhập, hợp nhất với nhau hoặc với các trường chuyên sâu thể dục, thể thao, nghệ thuật để phát triển thành một trường đại học đa ngành trong đó có ngành sư phạm thể dục, thể thao, nghệ thuật.

Các trường cao đẳng sư phạm được sắp xếp, tổ chức lại theo các phương án: Sáp nhập vào một trường đại học sư phạm hoặc cơ sở giáo dục đại học đa ngành, đa lĩnh vực có trường, khoa sư phạm hoặc khoa học cơ bản; sáp nhập vào một cơ sở giáo dục đại học tại địa phương hoặc trong vùng; sáp nhập, hợp nhất với một số cơ sở giáo dục khác tại địa phương.

Tái cấu trúc và phát triển các trường đại học sư phạm kỹ thuật thành các cơ sở giáo dục đại học đa ngành, đa lĩnh vực với trọng tâm là công nghệ và kỹ thuật; tiếp tục thực hiện vai trò hạt nhân trong đào tạo giáo viên, giảng viên giáo dục nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp./.

Theo Vietnam+

Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/quy-hoach-khoi-nganh-su-pham-den-nam-2030-xoa-truong-cao-dang-giam-dai-hoc-post1015385.vnp

Other news

Xu hướng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao
Nhận thức rõ vai trò then chốt của nguồn nhân lực chất lượng cao và kỹ năng nghề trong phát triển KT-XH, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo.
Bộ GD-ĐT công bố chi tiết lịch thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2025
Kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2025 sẽ có hai đề thi khác nhau theo hai chương trình đào tạo với hai lịch thi. Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố chi tiết lịch thi.
Rèn kỹ năng qua sinh hoạt câu lạc bộ trong sinh viên
Tại Trường Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An, nhiều câu lạc bộ đã và đang hoạt động sôi nổi, góp phần tạo ra môi trường học tập và phát triển toàn diện cho sinh viên.
Bộ GD-ĐT: Bỏ xét tuyển sớm trong tuyển sinh đại học
Từ 2025 sẽ bỏ xét tuyển sớm, điểm môn Toán và Ngữ văn phải chiếm tối thiểu 25% trọng số điểm xét tuyển, không giới hạn tổ hợp xét tuyển nhưng các tổ hợp phải có môn Toán hoặc Ngữ văn.
Trường Cao đẳng Nghề Cần Thơ tuyển 1.640 học sinh, sinh viên năm 2025 
(CT) - Theo Ban Giám hiệu Trường Cao đẳng Nghề Cần Thơ, năm 2025 trường sẽ tuyển 1.640 chỉ tiêu cho các nghề bậc cao đẳng, trung cấp; trong đó, có 940 chỉ tiêu cho 16 nghề bậc cao đẳng.
Top