24/05/2025
x
+
aa
-

Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng tại WHO 

Tại Khóa họp lần thứ 78 Đại hội đồng Y tế Thế giới (WHA) ở thành phố Geneva (Thụy Sĩ), Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Quốc Trung cam kết nước này sẽ tài trợ 500 triệu USD cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong vòng 5 năm tới. Động thái này được đánh giá là bước chuẩn bị thay thế Mỹ trở thành nhà tài trợ hàng đầu của WHO, qua đó mở rộng ảnh hưởng toàn cầu của Bắc Kinh sau khi Washington rút lui khỏi các tổ chức quốc tế.

Ðại biểu tham dự Khóa họp WHA lần thứ 78. Ảnh: EPA

Theo ông Lưu Quốc Trung, sự đóng góp trên của Trung Quốc là tiếng nói phản đối “chủ nghĩa đơn phương” - cụm từ mà Bắc Kinh thường gán cho hành động của Washington trong các vấn đề quốc tế. “Thế giới hiện đang phải đối mặt với tác động của chủ nghĩa đơn phương và chính trị quyền lực, từ đó mang đến những thách thức lớn cho an ninh y tế toàn cầu. Trung Quốc tin rằng chỉ với sự đoàn kết và hỗ trợ lẫn nhau, chúng ta mới có thể cùng nhau tạo ra một thế giới lành mạnh” - ông Lưu nhấn mạnh.

Cam kết Trung Quốc đưa ra hôm 20-5 là một trong những ví dụ rõ ràng nhất về nỗ lực của Bắc Kinh muốn lấp đầy khoảng trống lãnh đạo toàn cầu mà Tổng thống Mỹ Donald Trump để lại khi ông theo đuổi chính sách “Nước Mỹ trên hết”. Được biết, ông Trump hồi tháng 1 đã ra lệnh cho Mỹ rút khỏi WHO, động thái khiến Trung Quốc trở thành nhà tài trợ hàng đầu và là quốc gia quyền lực nhất của WHO.

Zhao Minghao, Giáo sư tại Viện Nghiên cứu Quốc tế thuộc Đại học Phúc Đán cho rằng chính sự coi thường quản trị quốc tế của chính quyền ông Trump đã mang đến những cơ hội mới cho ngoại giao Trung Quốc. Ông Zhao hy vọng Bắc Kinh sẽ đóng vai trò lớn hơn trong hợp tác quốc tế về sức khỏe cộng đồng, biến đổi khí hậu cũng như quá trình chuyển đổi năng lượng xanh.

 WHA là cơ quan ra quyết định cao nhất của WHO. Khóa họp lần thứ 78 lần này có chủ đề “Một thế giới vì sức khỏe”, được tổ chức từ 19 - 27/5, tập trung vào việc kết thúc đàm phán thỏa thuận toàn cầu về phòng chống đại dịch, đồng thời thảo luận các nội dung ưu tiên như thúc đẩy bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân, tăng cường hệ thống y tế, chống kháng thuốc và giải quyết các bệnh không lây nhiễm.

Tại khóa họp này, ngoài Trung Quốc, các nước Qatar, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Angola và một số tổ chức quốc tế khác đã cam kết tài trợ hơn 170 triệu USD cho WHO. Theo Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, khoản tài trợ này sẽ giúp WHO duy trì, kéo dài công tác cứu người, trong bối cảnh y tế toàn cầu gặp thách thức.

WHO hiện gặp khó khăn về ngân sách sau khi chính quyền Tổng thống Trump tuyên bố cắt giảm tài trợ và rời WHO.

Thật vậy, Trung Quốc đã nỗ lực để tự mô tả nước này là sự thay thế vượt trội dành cho Mỹ, là nhà lãnh đạo toàn cầu có trách nhiệm và là nhân tố bảo vệ trật tự quốc tế. Dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc đã theo đuổi chính sách đối ngoại cứng rắn hơn trong nỗ lực thay thế Mỹ trở thành cường quốc thống trị thế giới và tìm cách viết lại trật tự toàn cầu theo hướng có lợi cho Bắc Kinh.

Ngay cả trước khi Washington chuyển sang chủ nghĩa tự cô lập, Bắc Kinh đã mở rộng ảnh hưởng tại các tổ chức như Liên Hiệp Quốc (LHQ). Trong số 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ, Trung Quốc là nước đóng góp nhiều nhất cho lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ. Trong chuyến thăm châu Âu mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Đổng Quân tuyên bố nước này sẽ đóng góp nhiều hơn cho các hoạt động gìn giữ hòa bình. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng mục tiêu của Trung Quốc là định hình các chuẩn mực quốc tế theo ý muốn của Bắc Kinh cũng như củng cố vai trò của nước này trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Chưa kể, Trung Quốc còn cố gắng sử dụng LHQ để củng cố các yêu sách lãnh thổ đối với Đài Loan. Với tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh, Đài Bắc đã bị cấm tham dự WHA trong 9 năm qua. Chen Hsiu-his, giáo sư y tế công cộng tại Đại học Quốc gia Đài Loan, cho biết Trung Quốc từ lâu đã sử dụng ngoại giao y tế để can thiệp sự tham gia của Đài Loan vào các tổ chức quốc tế. Theo ông Chen, Bắc Kinh xây dựng mối quan hệ hữu nghị với nhiều quốc gia khác nhau và thúc đẩy chương trình nghị sự của riêng nước này thông qua các tổ chức và sự kiện mà Washington không tham gia, từ đó khiến Đài Bắc khó vận động hành lang để tham gia vào các tổ chức quốc tế hơn.

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Other news

Nam Phi: Tai nạn tại mỏ vàng Kloof khiến gần 300 người mắc kẹt dưới lòng đất
Gần 300 công nhân mắc kẹt dưới lòng đất tại mỏ vàng Kloof, Nam Phi, sau khi hệ thống tời phục vụ tiếp cận trục mỏ bất ngờ gặp trục trặc.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên làm việc với Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick 
Theo phóng viên TTXVN tại Washington, trong khuôn khổ chuyến công tác tại Mỹ từ ngày 19-22/5, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ Nguyễn Hồng Diên ngày 22-5 đã có buổi làm việc
Trung Quốc, Pakistan “kết nạp” Afghanistan vào CPEC 
Trong cuộc đàm phán không chính thức hôm 21-5, Trung Quốc, Pakistan và Afghanistan đã cam kết tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, phát triển cơ sở hạ tầng và an ninh.
Chính quyền Trump cấm Đại học Harvard tuyển sinh quốc tế 
“Đòn giáng” mới nhất của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm vào Đại học Harvard - tước quyền tuyển sinh viên quốc tế - đang lan rộng khắp ngành giáo dục đại học xứ cờ hoa
Triều Tiên điều tra toàn diện về vụ tai nạn hạ thủy tàu chiến
CHDCND Triều Tiên đã bắt đầu một cuộc điều tra toàn diện về vụ tai nạn xảy ra trong quá trình hạ thủy một tàu chiến hiện đại.
Top