21/11/2024
x
+
aa
-

Vừa xem điện thoại vừa vào thang máy, bé gái bị kẹt cửa, gãy chân 

(CTO) - Bé gái 6 tuổi, ở tỉnh Hậu Giang bị gãy xương do tai nạn kẹt chân vào thang máy vừa được các bác sĩ Bệnh viện (BV) Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long cấp cứu thành công, giữ lại được chân cho bé.

(CTO) - Bé gái 6 tuổi, ở tỉnh Hậu Giang bị gãy xương do tai nạn kẹt chân vào thang máy vừa được các bác sĩ Bệnh viện (BV) Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long cấp cứu thành công, giữ lại được chân cho bé.

Bác sĩ xem xét hình ảnh chấn thương chân của bệnh nhi. Ảnh: BV. 

Gia đình bệnh nhi chia sẻ với bác sĩ, do bé tập trung xem điện thoại trong lúc bước vào thang máy tại nhà nên sơ ý kẹt chân vào cửa thang dẫn đến tai nạn. Gia đình đã nhanh chóng băng bó vết thương và đưa bé đến BV Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long cấp cứu.

Bác sĩ ghi nhận bệnh nhi nhập viện trong tình trạng sốc mất máu, lừ đừ, bắt đầu hôn mê, da xanh, niêm nhợt, vết thương lóc da rộng, gãy hở lộ xương cẳng chân trái dẫn đến chảy máu nhiều, gãy xương đùi, bập bềnh khớp gối. Qua thăm khám và thực hiện các cận lâm sàng cần thiết, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị sốc chấn thương, mất máu cấp, gãy hở độ IIIB (với biểu hiện vết rách phần mềm rộng, lộ đầu xương gãy và vùng xương này bị nhiễm bẩn), đứt gần lìa cẳng chân trái, gãy xương đùi trái, chấn thương bụng chậu do tai nạn sinh hoạt.

Ê-kíp bác sĩ nhận định đây là ca cấp cứu khẩn và kích hoạt “báo động đỏ nội viện”, chỉ định mổ cấp cứu khẩn cho bệnh nhi. Sau phẫu thuật, bệnh nhi được cắt lọc mô dập nát, thám sát kỹ các động mạch, thần kinh, khâu nối toàn bộ gân, cố định xương.

Bác sĩ kiểm tra chân của bé sau phẫu thuật. Ảnh: BV.  

Ngay sau mổ, cẳng chân bệnh nhi hồng hào trở lại, ấm, các đầu ngón chân đã có cảm giác. Bệnh nhi được nằm hậu phẫu theo dõi 2 ngày trước khi chuyển về khoa Ngoại thần kinh - Cơ xương khớp điều trị tiếp tục. Sau đó bệnh nhi được phẫu thuật kết hợp xương đùi. Bệnh nhi vừa được xuất viện với sức khỏe ổn định; bác sĩ hẹn tái khám ngoại trú.

ThS.BS Lê Dũng, Trưởng khoa Ngoại thần kinh - Cơ xương khớp, BV Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long cho biết: Trẻ em thường ít để ý các nguy cơ xung quanh và chưa có nhiều kiến thức, kỹ năng phòng tránh nên rất dễ bị tai nạn sinh hoạt gây thương tích nguy hiểm. Vì thế, gia đình và người thân khi chăm sóc trực tiếp cho trẻ cần chú ý đảm bảo an toàn và đánh giá bao quát các tình huống có thể gây nguy hiểm cho trẻ. Trường hợp không may xảy ra tai nạn, gia đình cần theo dõi sát tình trạng ý thức của trẻ và các biểu hiện bất thường. Nếu bị các chấn thương nặng, cần đưa trẻ tới ngay BV chuyên khoa để được khám và xử trí kịp thời.

THU SƯƠNG

Top