16/06/2025
x
+
aa
-

Biến thể COVID-19 mới NB.1.8.1 dễ lây hơn

Một biến thể COVID-19 mới có tên NB.1.8.1 đã xuất hiện tại Mỹ và đang lan rộng toàn cầu.

Test COVID-19 (Ảnh: THAIRATH)

Theo báo Huffington Post, biến thể COVID-19 mới này được phát hiện lần đầu ở Trung Quốc vào tháng 1/2024 và hiện chiếm khoảng 10% số mẫu SARS-CoV-2 được giải trình tự trên toàn thế giới, tăng mạnh so với mức 2,5% cách đây bốn tuần.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), hiện mới chỉ ghi nhận 20 chuỗi gene NB.1.8.1 tại Mỹ, chưa đủ để được đưa vào hệ thống theo dõi chính thức của cơ quan này. Tuy nhiên nếu tỉ lệ tiếp tục tăng, biến thể sẽ được cập nhật trên bảng theo dõi của CDC.

NB.1.8.1 được cho là có khả năng lây lan cao hơn do mang nhiều đột biến mới trên protein gai, giúp vi rút dễ bám vào tế bào người. Tổ chức Y tế thế giới cho rằng các đột biến này có thể làm giảm hiệu quả của kháng thể trung hòa khiến vi rút dễ né tránh hệ miễn dịch hơn.

Tuy vậy, theo các chuyên gia bệnh truyền nhiễm, NB.1.8.1 không gây ra triệu chứng quá khác biệt so với các biến thể trước đây. Người nhiễm thường có các triệu chứng như ho khan nhẹ nhưng kéo dài, nghẹt mũi, mệt mỏi, sốt, ớn lạnh, đau họng và đau cơ. Một số người nhận xét triệu chứng của biến thể này nhẹ hơn cúm mùa đông, song vẫn có thể nghiêm trọng ở những người có nguy cơ cao.

Hiện chưa có bằng chứng cho thấy NB.1.8.1 gây bệnh nặng hơn hay làm tăng số ca nhập viện, tử vong. Tuy nhiên biến thể này đang dần trở nên phổ biến.

Về hiệu quả của vắc xin, các nhà khoa học nhận định rằng NB.1.8.1 phát sinh từ dòng Omicron JN.1 nên vẫn nằm trong nhóm mục tiêu của vắc xin COVID-19 mùa 2024-2025. Dù khả năng ngăn ngừa lây nhiễm có thể ngắn hạn, vắc xin vẫn giữ hiệu quả phòng ngừa bệnh nặng. Những người lớn tuổi có bệnh nền hoặc làm việc trong môi trường dễ phơi nhiễm nên tiêm nhắc lại nếu đã hơn sáu tháng kể từ lần tiêm gần nhất hoặc lần nhiễm gần nhất.

Phần lớn người bệnh có thể hồi phục tại nhà bằng cách nghỉ ngơi, uống đủ nước và dùng thuốc hạ sốt, giảm đau. Tuy nhiên người có nguy cơ cao cần liên hệ bác sĩ để được kê thuốc kháng vi rút như Paxlovid hoặc Molnupiravir, hiệu quả nhất khi dùng trong vòng năm ngày đầu sau khi xuất hiện triệu chứng. Nếu xuất hiện các dấu hiệu nguy hiểm như đau ngực, khó thở, lú lẫn hoặc không thể tỉnh táo, người bệnh cần đến cơ sở y tế ngay./.

Theo Báo Tuổi Trẻ

Nguồn: https://tuoitre.vn/bien-the-covid-19-moi-nb-1-8-1-de-lay-hon-20250609000005677.htm

Other news

Những loại ung thư nào có thể di truyền trong gia đình?
Theo bác sĩ Nguyễn Tuấn Tùng, phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, ung thư vú, ung thư đại trực tràng, ung thư buồng trứng... có thể di truyền trong gia đình.
Nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng ngừa bệnh dại 
Từ đầu năm 2025 đến nay, khu vực phía Nam ghi nhận 11 ca bệnh dại. Qua khai thác tiền sử dịch tễ 9 ca, ở thời điểm cắn có gần 50% chó có biểu hiện bệnh dại nhưng người bị cắn vẫn không đi tiêm ngừa mà lại chọn điều trị theo phương pháp dân
Ăn tỏi hằng ngày có tốt không? 
Tỏi là một trong những loại thảo dược được nghiên cứu nhiều nhất. Tỏi chứa nhiều thành phần chống viêm, kháng khuẩn và chống khối u, nên việc thường xuyên tiêu thụ nó trong chế độ ăn hằng ngày có thể mang lại nhiều lợi ích sức khỏe cho người dùng.
Sốt xuất huyết đã ngoài tầm dự báo
Không còn theo chu kỳ dịch 3 - 5 năm, sốt xuất huyết đã ngoài tầm dự báo do số ca mắc liên tục ở mức cao.
Cả nước ghi nhận gần 23.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết với 5 ca tử vong
Sốt xuất huyết hiện vẫn là một trong những bệnh truyền nhiễm gây gánh nặng lớn tại Việt Nam. Mỗi năm tại Việt Nam ghi nhận từ 100-200.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết.
Top