Chìa khóa kết nối gia đình
Giao tiếp lành mạnh tạo nên sự gắn kết trong gia đình (Ảnh minh họa bởi AI)
Những câu chuyện đau lòng
Đến nay, khi nhắc tới câu chuyện nam sinh 17 tuổi tại xã Thanh Phú Long, huyện Châu Thành, tỉnh Long An tự tử, nhiều người dân trong khu vực vẫn không nguôi xót xa.
Những lời em nhắn trong điện thoại khiến những người ở lại phần nào cảm nhận được áp lực dẫn đến quyết định dại dột. Gia đình vẫn rất yêu thương nhưng có lẽ điều đó chưa đủ để giúp em vượt qua áp lực về thành tích học tập, kỳ vọng của gia đình.
Áp lực học tập không chỉ đến từ kỳ vọng của cha mẹ mà còn từ sự so sánh với bạn bè đồng trang lứa. Nhiều bạn trẻ cảm thấy mình luôn phải cố gắng để đạt những thành tích cao, không phụ lòng cha mẹ. Tuy nhiên, áp lực quá lớn có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng như trầm cảm, lo âu, thậm chí là hành động tự gây tổn thương. Trong trường hợp này, áp lực ấy khiến chàng trai 17 tuổi rơi vào tuyệt vọng.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra chính là việc một bộ phận người trẻ không thể vượt qua cảm xúc, thiếu kỹ năng xử lý vấn đề, thiếu người chia sẻ, thấu hiểu và hướng dẫn. Trong xã hội hiện đại, sự bận rộn của người lớn và phát triển của công nghệ tác động không nhỏ đến các mối quan hệ gia đình.
Thiếu kỹ năng giao tiếp, không biết lắng nghe và thấu hiểu lẫn nhau là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự rạn nứt, mất kết nối giữa các thành viên trong gia đình. Điều đó có thể gây ra nhiều câu chuyện đáng tiếc, không chỉ giữa cha mẹ và các con mà cả giữa anh chị em ruột với nhau.
Vụ án anh trai giết chết em ruột sau khi uống rượu say (xã Hiệp Thạnh, huyện Châu Thành) là một minh chứng cho sự mất kết nối giữa các thành viên trong gia đình. Những mâu thuẫn nhỏ giữa anh em ruột không được giải quyết cùng với sự thiếu kiềm chế, ứng xử không phù hợp đã dẫn đến câu chuyện đau lòng. Dù nguyên nhân sâu xa của những mâu thuẫn đó là gì, nếu mỗi người, mỗi thành viên trong gia đình biết ứng xử phù hợp, mọi chuyện sẽ không bị đẩy đi quá xa.
Mất kết nối trong xã hội hiện đại
Gia đình vốn được ví như tế bào của xã hội. Mối quan hệ huyết thống trong gia đình từ trước tới nay luôn là sợi dây kết nối bền chặt nhất. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, sự liên kết vốn được xem là không gì phá vỡ được lại trở nên lỏng lẻo đến mức nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ cảm thấy lạc lõng trong chính gia đình mình.
Dưới cơn lốc của kinh tế thị trường cùng với những ảnh hưởng của quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, công nghệ phát triển, các thành viên trong gia đình thường bị cuốn vào vòng xoáy của thế giới ảo, dẫn đến hạn chế trong các mối quan hệ xã hội, không biết cách thể hiện cảm xúc cũng như thiếu người chia sẻ, tâm sự dẫn đến việc không thể hiểu được khó khăn, vướng mắc của nhau, gây ra các mâu thuẫn không đáng có.
Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh - Nguyễn Thụy Thắm chia sẻ, trong các lần nói chuyện chuyên đề cùng trẻ em, trẻ vị thành niên, trẻ em gái,... tại các huyện, thị xã, thành phố về chăm sóc, bảo vệ trẻ em, chị thường nhận được nhiều câu hỏi từ các bạn trẻ: “Làm thế nào để thuyết phục gia đình ủng hộ ngành học em yêu thích?”, “Làm thế nào để hòa thuận với cha mẹ trong nhà?”,... Điều đó đặt ra một trăn trở về việc giữ gìn mối quan hệ gắn kết trong gia đình để tạo nền tảng cho mỗi cá nhân phát triển toàn diện, góp phần xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp.
Theo tài liệu từ Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), trong xã hội hiện đại, mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình là mối liên kết tình cảm, tâm lý đặc biệt, gắn bó trong suốt cuộc đời. Trong cuộc sống hiện đại, việc tiếp thu cái mới, kế thừa những giá trị truyền thống là yếu tố cốt lõi trong xây dựng gia đình phát triển bền vững.
Giao tiếp lành mạnh
Theo Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành, “Tôn trọng, bình đẳng, yêu thương, chia sẻ” là những giá trị thiêng liêng tạo nên sự gắn bó, bền chặt trong gia đình Việt, cần được giữ gìn, phát triển.
Muốn xây dựng được các giá trị tốt đẹp trong gia đình, trước hết cần xây dựng được sự giao tiếp lành mạnh giữa các thành viên. Mỗi thành viên cần học cách lắng nghe, đặt mình vào vị trí của người khác để cảm thông, thấu hiểu, chia sẻ.
Bên cạnh đó, thành viên trong nhà cũng cần học cách bày tỏ ý kiến một cách thẳng thắn và tôn trọng lẫn nhau. Đó chính là mấu chốt trong việc xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững.
Chính sự giao tiếp giúp các bậc làm cha mẹ hiểu được áp lực mà con mình đang gánh chịu trong xã hội hiện đại, khi cả thế giới có thể kết nối với nhau chỉ bằng 1 lần nhấp chuột.
Những so sánh, kỳ vọng, mong cầu của cha mẹ đặt lên con liệu có phù hợp, có giúp con có thêm động lực hay trở thành gánh nặng cho con là điều các bậc làm cha mẹ đều muốn biết.
Đặc biệt, khi đã thiết lập được kênh giao tiếp phù hợp, cha mẹ hoàn toàn có thể là “địa chỉ tin cậy” của con. Hiểu tâm tư của con, cha mẹ có thể chuyện trò, chia sẻ cùng con, kịp thời hướng dẫn, giúp đỡ con trong những trường hợp gặp khó khăn.
Chính tình yêu thương từ gia đình sẽ là động lực để mỗi người trở nên rộng lượng, bao dung, thành công hơn trong xã hội, giúp mỗi cá nhân học được sự kiên nhẫn, ứng xử văn minh,...
Để xây dựng một gia đình hạnh phúc, mỗi thành viên cần có ý thức xây dựng mối quan hệ tốt đẹp, dành nhiều thời gian trò chuyện, lắng nghe và tôn trọng ý kiến của nhau. Điều đó không quá khó nhưng cần được mỗi cá nhân quan tâm, ghi nhớ./.
Quế Lâm