Ly hôn và những đứa trẻ 'bị bỏ lại phía sau'
Trẻ em là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất sau khi ba mẹ ly hôn (Ảnh minh họa: Internet)
Đó là trường hợp của em N.H.B.N., sinh năm 2008, ngụ xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành. Em là học sinh Trường THPT Nguyễn Thông, sống cùng ông bà nội già yếu và 3 em nhỏ vì ba mẹ đã ly hôn, rời địa phương. Sự ra đi của B.N. để lại nỗi đau xót cho gia đình và bạn bè, đồng thời đặt ra câu hỏi về những hệ lụy của ly hôn đối với trẻ em.
B.N. lớn lên trong một gia đình không trọn vẹn. Ba mẹ em ly hôn để lại những vết thương lòng sâu sắc cho em. Thương ông bà nội tuổi già còn vất vả lo cho cháu, B.N. phụ giúp chăm sóc các em. Năm học mới sắp bắt đầu, cô gái nhỏ “tuổi ăn tuổi lớn” canh cánh nỗi lo chi phí nhập học cho mình và 3 đứa em.
Để có tiền trang trải chuyện học, để ông bà nội bớt gánh lo chi phí đầu năm học mới, B.N. xin phép ông bà được đi làm thêm. Thương cháu nhưng không còn cách nào khác, ông Nguyễn Văn Quyền - ông nội của B.N., đành “bấm bụng” đồng ý. Tai nạn xảy ra khi B.N. trên đường đi làm thêm về nhà.
Câu chuyện của B.N. không phải là cá biệt. Theo thống kê, mỗi năm, nước ta có khoảng 2 triệu lượt kết hôn và tỷ lệ ly hôn là 600.000 cặp, tức là cứ 4 cặp kết hôn sẽ có 1 cặp ly hôn. Điều đó nghĩa là có rất nhiều trẻ em khác cũng đang đối mặt với những khó khăn tương tự sau khi gia đình tan vỡ.
Ba mẹ ly hôn, trẻ em thường cảm thấy bị bỏ rơi, cô đơn, lo lắng, bất an. Nhiều em gặp khó khăn trong việc thích nghi với cuộc sống mới, gặp rắc rối trong học tập và các mối quan hệ xã hội, đối mặt với nhiều rủi ro hơn so với những trẻ em khác.
Sau hôn nhân, người lớn có thể có bạn đời mới nhưng những đứa trẻ chỉ có 1 người cha, 1 người mẹ mà thôi. Gia đình tan vỡ dễ dẫn đến những tổn thương về tâm lý, tình cảm và thiếu thốn về vật chất cho các em.
Sau khi ba mẹ ly hôn, các em thường sống cùng ông bà, đa số các trường hợp đó, hoàn cảnh gia đình đều khó khăn khiến những “mầm non” phải tự mình “chín ép”, gồng gánh chính cuộc đời mình, đôi khi là cả các em của mình./.
Mộc Châu