Việc nhà là việc của chúng ta
Đồng vợ đồng chồng
“Vợ chồng biết yêu thương, quan tâm nhau thì gia đình mới hạnh phúc” là quan điểm của vợ chồng anh Nguyễn Minh Trung (SN 1991) và chị Trần Thị Mãi (SN 1993, ngụ xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An).
Đã đi cùng nhau gần 10 năm, cuộc sống hôn nhân gặp không ít khó khăn nhưng anh chị luôn thấu hiểu và yêu thương nhau.
Chị Mãi chia sẻ: “Tôi cảm thấy may mắn khi có chồng tâm lý, biết cách chăm sóc và chia sẻ với vợ những điều nhỏ trong cuộc sống. Điều đó khiến tôi cảm thấy mình được yêu thương và trân trọng”.
Anh Nguyễn Minh Trung (xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Hưng) luôn chia sẻ việc nhà cùng vợ
Mặc dù bận rộn với công việc kinh doanh nhưng mỗi khi anh Trung về đến nhà vẫn “xắn tay” phụ vợ làm công việc nội trợ.
Theo anh Trung, chỉ khi vợ chồng đồng lòng thì mới tạo nên gia đình hạnh phúc trọn vẹn. “Phụ vợ dọn dẹp nhà cửa, tắm rửa cho con, nấu cơm tươm tất, đưa đón con đi học,... là chuyện bình thường. Với tôi, việc nhà không phải chỉ phụ nữ làm mà người đàn ông trong gia đình phải góp sức. Nếu có chồng chia sẻ, vợ sẽ đỡ mệt hơn, căn nhà cũng sẽ bình yên và ấm áp” - anh Trung tâm sự.
Chính vì vậy mà chị Mãi cảm thấy hãnh diện về chồng. Chị kể, giai đoạn mang thai, chị được anh đưa rước khi đi làm, về nhà anh chuẩn bị bữa ăn chu đáo. Đến khi sanh và ở cữ, hầu như mọi việc chăm vợ, chăm con đều một tay anh làm mà chưa bao giờ than thở.
“Tôi may mắn vì có chồng hiểu và chủ động san sẻ các nỗi lo trong cuộc sống. Anh chưa bao giờ xem việc chăm con, bếp núc,... là của phụ nữ. Có lúc, tôi ở nhà chăm con và mệt, anh về nhà liền bảo tôi đi nghỉ để anh ấy thay thế” - chị Mãi nói.
Hạnh phúc đến từ sự quan tâm đặc biệt mà cả 2 dành cho nhau
Vào ngày cuối tuần, vợ chồng anh Trung thường cùng nhau vào bếp chế biến các món ăn ngon, dọn nhà và dành thời gian đưa các con đi chơi để thư giãn. Với anh, bình đẳng trong gia đình không phải là sự phân chia "việc của anh" hay "việc của em" mà là cùng nhau làm, chủ động san sẻ.
Anh Trung cho biết, ba mẹ là tấm gương để giáo dục con cái. Anh Trung nói: "Chúng còn quá nhỏ để ba mẹ có thể nói về quan điểm sống mà sẽ nhìn cách ba mẹ đối xử với nhau để học tập, vì thế chúng tôi làm gương cho con, góp phần hình thành nên ý thức tốt cho con”.
Dạy con làm việc nhà
Cùng quan điểm ba mẹ sẽ là tấm gương cho các con, vợ chồng bà Phạm Thị Mười, ông Lê Minh Tuấn (xã Thanh Phú Long, huyện Châu Thành) luôn giữ nếp sống chia sẻ cùng nhau mọi việc trong cuộc sống và dạy các con có trách nhiệm với gia đình. Ở nhà bà Mười, việc nhà là việc chung và mỗi thành viên đều phải có trách nhiệm.
Bà Mười bộc bạch: “Chúng tôi dạy con có trách nhiệm cùng chăm lo cho gia đình. Vợ chồng tôi làm việc cùng nhau nên thường cùng đi, cùng về mỗi ngày. Về đến nhà thì cả tôi và chồng đều "xắn tay" vào nấu cơm, dọn nhà. Các con đi học thì thôi, ở nhà cũng làm cùng ba mẹ. Chúng tôi muốn con mình vừa có kỹ năng sống, vừa biết sống sẻ chia, trách nhiệm, có như vậy thì sau này mới có thể tự lập được”.
Chính vì vậy, các con của ông Tuấn, bà Mười đều biết nấu ăn và làm việc nhà. Mỗi ngày, gia đình không chỉ quây quần lúc ăn cơm, cả khi chuẩn bị bữa ăn cũng đều đông đủ thành viên, vừa làm, vừa nói chuyện.
Các con của ông Lê Minh Tuấn và bà Phạm Thị Mười (xã Thanh Phú Long, huyện Châu Thành) cùng chuẩn bị bữa cơm gia đình
Việc vợ chồng, con cái trong gia đình chung tay làm việc nhà, sẻ chia trách nhiệm không còn xa lạ khi người phụ nữ vừa đảm nhận công việc gia đình, vừa tham gia tích cực vào các hoạt động xã hội, đóng góp vào sự phát triển của cộng đồng. Sự chung tay gánh vác việc nhà của nam giới không chỉ khẳng định vai trò của các thành viên trong gia đình mà còn tạo ra sự gắn kết và thấu hiểu lẫn nhau.
Để xây dựng một gia đình hạnh phúc và bền vững, vợ chồng cần cùng nhau nỗ lực, chia sẻ công việc và trách nhiệm. Các thành viên trong gia đình cùng làm việc nhà còn là thể hiện của tình yêu thương và sự tôn trọng đối với người thân của mình./.
Quế Lâm - Tuệ An