Dạy tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai: Mục tiêu cao nhưng thách thức lớn
Thí sinh sau giờ thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh 2024 tại TP.HCM (Ảnh: NHƯ HÙNG)
Dạy tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai được hiểu là dạy tiếng Anh đối với những người mà tiếng mẹ đẻ không phải là tiếng Anh và những người này sinh sống, làm việc trong môi trường tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức, bản ngữ.
Ví dụ người Việt Nam nhập cư vào Úc và họ được dạy tiếng Anh. Đó là dạy tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai vì ngôn ngữ một của họ là tiếng Việt. Người Úc cũng được dạy tiếng Anh nhưng dạy như ngôn ngữ một.
Nếu người Việt Nam đang ở Việt Nam và được dạy tiếng Anh thì đây là dạy tiếng Anh như một ngoại ngữ. Tiếng Anh ở Việt Nam là một ngoại ngữ như các ngoại ngữ khác vì ngôn ngữ chính thức, bản ngữ, ngôn ngữ một của Việt Nam là tiếng Việt.
Ba vòng tròn của ngôn ngữ Anh
Qua cách hiểu trên có thể nhận thấy yếu tố ngôn ngữ của môi trường sống và làm việc đóng vai trò quyết định cho việc phân biệt dạy tiếng Anh như là ngôn ngữ thứ hai hay như là một ngoại ngữ.
Mặt khác cần thừa nhận chung là dạy tiếng Anh như là ngôn ngữ thứ hai hiệu quả hơn vì môi trường sử dụng thuận lợi hơn nhiều so với dạy tiếng Anh như một ngoại ngữ. Hay nói một cách nôm na là người Việt Nam học tiếng Anh ở Úc nhìn chung giỏi tiếng Anh hơn nếu so với việc họ học ở Việt Nam. Do vậy việc có các khuyến cáo nên áp dụng việc dạy tiếng Anh như là ngôn ngữ thứ hai ở Việt Nam cũng dễ hiểu.
Nhà nghiên cứu ngôn ngữ nổi tiếng của Mỹ Kachru B. đã đưa ra khái niệm mô hình Ba vòng tròn đồng tâm của ngôn ngữ Anh khi tác giả đề cập sự phổ biến và phân bổ tiếng Anh trên thế giới.
Mô hình này bao gồm: Vòng tròn bên trong, Vòng tròn bên ngoài và Vòng tròn mở rộng. Vòng tròn bên trong bao gồm các quốc gia nơi tiếng Anh là bản ngữ và được sử dụng trong cuộc sống hằng ngày và các tổ chức chính phủ, chẳng hạn như Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Canada, Úc và New Zealand.
Vòng tròn bên ngoài bao gồm các quốc gia tiếng Anh được sử dụng rộng rãi trong đời sống xã hội hoặc trong khu vực chính phủ. Đó là Ấn Độ, Malaysia, Singapore, Ghana, Kenya và những nước khác. Việc sử dụng tiếng Anh ở các nước này được gọi là ngôn ngữ thứ hai.
Cuối cùng Vòng tròn mở rộng bao gồm các quốc gia sử dụng tiếng Anh như ngoại ngữ trong giáo dục. Các quốc gia như vậy bao gồm các nước còn lại, chẳng hạn như Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam...
Mô hình Ba vòng tròn đồng tâm của ngôn ngữ Anh dường như đã định rõ việc sử dụng và dạy tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai chỉ có thể thực hiện được ở những quốc gia thuộc Vòng tròn bên ngoài và dạy tiếng Anh như ngoại ngữ được thực hiện ở Vòng tròn mở rộng.
Việt Nam là quốc gia nằm ở Vòng tròn mở rộng. Các số liệu của EF EPI (English First English Proficiency Index) cũng cho thấy các quốc gia thuộc Vòng tròn bên ngoài thường có trình độ thành thạo tiếng Anh cao và rất cao, trong khi đại đa số các quốc gia thuộc Vòng tròn mở rộng có trình độ thành thạo tiếng Anh trung bình, thấp và rất thấp (trừ một số quốc gia châu Âu).
Mức độ thành thạo tiếng Anh của Việt Nam tăng ấn tượng
Đối sánh với các yêu cầu của dạy tiếng Anh như một ngôn ngữ thứ hai có thể thấy rằng Việt Nam đã có những nỗ lực bước đầu song còn ít ỏi trong việc triển khai một số chương trình dạy tiếng Anh và một số môn học khác bằng tiếng Anh.
Ví dụ đó là Chương trình quốc tế Cambridge (CIE) được triển khai năm 2010 và tiếp theo là đề án "Dạy và học các môn toán, khoa học và tiếng Anh tích hợp chương trình Anh và Việt Nam" được triển khai năm 2014 tại TP.HCM.
Thách thức lớn nhất của bước đầu tiên này là có được đội ngũ giáo viên dạy tiếng Anh bản ngữ và đội ngũ giáo viên Việt Nam có năng lực Anh ngữ đạt từ C1 CEFR trở lên để có thể giảng dạy tiếng Anh và các môn học khác bằng tiếng Anh. Việc phải làm sao có môi trường nói tiếng Anh ngay trong nhà trường, rồi ở mức cao hơn là ở ngoài xã hội là vấn đề còn bỏ ngỏ.
Cũng theo EF EPI, trình độ thành thạo tiếng Anh của Việt Nam có mức độ thăng tiến rất ấn tượng trong hơn chục năm gần đây. Năm 2011 trình độ thành thạo tiếng Anh của Việt Nam xếp thứ 39 trên 44 quốc gia được khảo sát và đạt mức thấp nhất (very low proficiency), tương ứng với mức Pre-A1 đến hơn A2 của CEFR.
Đến năm 2023 Việt Nam đã đạt được 506 điểm EF EPI, xếp vào mức độ Trình độ thành thạo tiếng Anh trung bình (moderate proficiency), tương ứng với trình độ đầu của B2 CEFR và xếp thứ 58 trên tổng số 113 quốc gia được xếp hạng.
Như vậy trong hơn mười năm, trình độ thành thạo tiếng Anh của Việt Nam đã nhảy từ bậc trước A1 vượt qua A1 đạt tới trình độ đầu của B2 CEFR.
Có thể mục tiêu trong thời gian tới của Việt Nam là duy trì Trình độ thành thạo tiếng Anh trung bình nhưng ở mức phổ điểm cao hơn, hoặc thậm chí là trình độ cao theo EF EPI tương ứng với phổ điểm cao nhất của B2 CEFR, vốn đặc trưng cho các quốc gia thuộc Vòng tròn bên ngoài./.
Dạy tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai Một số nghiên cứu chỉ ra rằng việc dạy tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai cần phải đáp ứng những đặc điểm sau: 1. Không sử dụng nhiều tiếng mẹ đẻ trong lớp học. 2. Môi trường dạy học là môi trường nói tiếng Anh. 3. Môi trường xã hội trực tiếp là môi trường nói tiếng Anh. |
Nhiều dự án nâng cao năng lực tiếng Anh Riêng ở châu Á chỉ có 4/32 quốc gia đạt được Trình độ thành thạo tiếng Anh cao và rất cao (bốn quốc gia này đều thuộc Vòng tròn bên ngoài), còn lại đại đa số là thấp và rất thấp. Nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ ở châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan... nằm ở Vòng tròn mở rộng như Việt Nam cũng đã khởi xướng nhiều dự án nâng cao năng lực tiếng Anh cho công dân mình. |
Theo tuoitre.vn
Nguồn: https://tuoitre.vn/day-tieng-anh-nhu-ngon-ngu-thu-hai-muc-tieu-cao-nhung-thach-thuc-lon-20240922095004974.htm