Một hôn nhân... hai đám cưới!
Vợ chồng anh Hòa, chị Hợp ly hôn. Tài sản thỏa thuận tự phân chia. Đứa con gái lớn đã đủ tuổi tự lập, có việc làm nên không cần cha mẹ lo. Chỉ đứa con trai út, tòa xử thuộc quyền mẹ nuôi và cha có nghĩa vụ cấp dưỡng.
Thời kỳ “chung tay nuôi con”, thi thoảng có cự cãi nhưng rồi cũng qua. Anh chị đều là người trí thức, cho dẫu không muốn nhìn mặt nhau thì cũng còn ý thức trách nhiệm chung với con nên ai cũng kiềm chế không để những mâu thuẫn phát sinh “đi quá đà”.
Minh họa: Internet
Vậy nhưng, sự việc bắt đầu trở nên “căng” khi con trai tốt nghiệp ra trường, về thưa với cha mẹ xin được cưới vợ. Ngày gả con gái lớn lấy chồng, anh Hòa nhường chị Hợp quyền “chủ đám”, lo liệu việc mời khách khứa, đặt bàn tiệc, nhận tiền mừng,... Anh chỉ có mặt như “người chứng” cho phải đạo. Vậy nhưng, giờ tới hỷ sự của con trai, anh cương quyết không nhượng bộ. Anh lấy lý do vì là con trai duy nhất, là hậu duệ nối dõi tông đường nhà nội nên anh đứng ra tổ chức. Trước lý lẽ của chồng, chị Hợp nói: “Nó con trai duy nhất của anh thì cũng là con trai duy nhất của em. Lúc trước, hôn sự của con gái là do anh tự nguyện “nhường” chớ em có giành đâu?”. Hai người lời qua tiếng lại không ai nhịn ai. Kết cuộc, anh Hòa tuyên bố: “Không thỏa thuận được thì... đường ai nấy đi. Anh làm phần anh, em làm phần em”.
Tưởng nói chơi ai dè làm thiệt. Hôn lễ của con trai, trong khi chị Hợp đặt tiệc cưới rình rang ở nhà hàng, mời khách bên chị thì nhà anh Hòa cũng thuê người dựng rạp, đặt bàn tiệc đãi khách bên nhà anh. Khổ thân cho đôi trẻ phải mướt mồ hôi “chạy sô” ra mắt từ đám cưới ở nhà cha qua đám cưới ở nhà mẹ. Về phía khách, những bạn bè chung của anh chị đều được nhận hai thiệp mời. “Ngoảnh mặt sang Tề e Sở giận” nên đa phần số khách này đành phải bấm bụng đi cả hai đám cưới.
Đa phần những cuộc hôn nhân đổ vỡ thì con cái sẽ chịu tổn thương nặng nhất. Ngoài những tổn thương nhất thời lúc chia tay, sự bất hòa của cha mẹ trong khi giải quyết các vấn đề chung sau ly hôn cũng là căn nguyên khiến các con tiếp tục bị tổn thương. Mong sao các bậc cha mẹ rơi vào tình huống ấy khéo biết cách dàn xếp, đừng để bản ngã “tranh hơn” lấn lướt, dẫn tới chuyện làm tổn thương thêm con trong khi chúng đã chịu tổn thương quá nhiều. Hôn nhân không hạnh phúc, mỗi người vẫn có thể chọn lối đi riêng nhưng hãy tôn trọng nhau và có trách nhiệm chung với các con./.
Y.N
(Tên nhân vật được thay đổi)